Không mang trên mình áo blouse trắng, cũng chẳng làm việc trong các bệnh viện, không có Ngày Thầy thuốc đầy hoa tươi và lời chúc tụng… nhưng với bà con dân tộc thiểu số nói chung, nhất là các thôn buôn vùng sâu vùng xa, cán bộ y tế thôn bản cũng là những "từ mẫu" hết lòng vì sức khỏe của bà con.
Không mang trên mình áo blouse trắng, cũng chẳng làm việc trong các bệnh viện, không có Ngày Thầy thuốc đầy hoa tươi và lời chúc tụng… nhưng với bà con dân tộc thiểu số nói chung, nhất là các thôn buôn vùng sâu vùng xa, cán bộ y tế thôn bản cũng là những “từ mẫu” hết lòng vì sức khỏe của bà con.
|
Cán bộ y tế thôn bản ở Lạc Dương kể lại chuyện vui buồn trên sân khấu Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017” khu vực Tây Nguyên. Ảnh: N.N |
Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017” khu vực Tây Nguyên tổ chức tại Lâm Đồng vừa qua, đội của Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương - đơn vị đại diện cho tỉnh Lâm Đồng đã được vinh danh giải nhất. Cuộc thi nhằm nhân rộng những tấm gương nhân viên y tế thôn bản giỏi, tiêu biểu luôn cố gắng khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện khám chữa bệnh và cả những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng khó khăn. Tại cuộc thi, cả khán phòng đã lặng yên để nghe những cán bộ y tế thôn bản trẻ của huyện Lạc Dương kể câu chuyện vui buồn của người cán bộ y tế thôn bản. Đó là câu chuyện được xây dựng từ những tình tiết có thật. Là cô y tế thôn bản tận tụy với nghề, gia đình chồng tới hỏi cưới nhưng có bệnh nhân, cô sẵn sàng bỏ qua việc trọng đại để lo cho sức khỏe của bệnh nhân. Nhưng không chỉ có thế, bởi có rất nhiều những câu chuyện vui buồn khác trong khi làm nhiệm vụ mà chỉ có cán bộ y tế thôn bản - những người trực tiếp trải qua mới cảm nhận được.
Lê Cảnh Ngọc Nhất, Cil Múp K’ Gluyết, Sơ Ao Phia, Kơ Să K’Xuân, Cil Pam K’ Lê Na, Liêng Hót Ha Xuynh… là những người trẻ trong số 33 cán bộ y tế thôn bản của Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương. Họ hiện đang cắm chốt tại tất cả các thôn thuộc 5 xã và thị trấn trên địa bàn huyện Lạc Dương. 9h tối, chúng tôi vẫn không thể liên lạc với Sơ Ao Phia (26 tuổi, cán bộ y tế thôn 5, xã Đa Sar). Phia đi vào thôn tới từng nhà của bà con để làm phiếu kiểm tra chuẩn bị khám sức khỏe toàn dân. “Đi muộn vậy vì cả ngày bà con đi làm. Trời mưa nên em không thể nghe điện thoại” - Phia nói. Đó là một trong vô số việc làm mỗi ngày của cán bộ y tế thôn bản. Cũng khá giống với nhân vật trong tiểu phẩm thi của đội bởi Sơ Ao Phia từ Đức Trọng theo chồng về làm cán bộ y tế thôn bản ở xã Đa Sar 3 năm về trước. Phia kể: “Hồi mới vào làm được 3 tháng có nhà có con nhỏ trong độ tuổi tiêm vắc-xin nhưng không chịu đi tiêm. Mặc dù trạm y tế xã đã gửi giấy mời cả 4, 5 lần. Cán bộ y tế thôn bản phải đến tận nhà vận động mới biết phải sinh tới đứa con thứ 3 cặp vợ chồng này mới có con gái. Bởi thế họ sợ đi tiêm về con gái sẽ bị đau, bị sốt. Lúc đó, em mới giải thích cho họ hiểu đó chỉ là tác dụng phụ khi tiêm thôi mà nếu tiêm bé lên sốt quấy khóc thì đến ngay trạm xã hoặc điện cho em. Vậy nhưng họ vẫn không đồng ý ngay, em phải quay lại thuyết phục lần nữa họ mới chịu đi”. Bà con nhiều thôn ở Đa Sar hay đi ngủ rừng, ngủ rẫy ở xa chỉ có thứ bảy, chủ nhật mới về nên “hai ngày đó mình phải tranh thủ đi tuyên truyền, có khi đi đến khuya mới về nhà nhưng vẫn phải đi. Chưa kể có những lần bà con đau ốm trong đêm gọi mình cũng phải đi ngay” - Phia tâm sự.
Cũng như Phia, những cán bộ y tế thôn bản cắm chốt tại các xã đều mang về cho mình những “bầu kỷ niệm” buồn vui. Là cán bộ y tế thôn bản tại xã nghèo vùng sâu như Đưng K’Nớ, chị Cil Pam K’Lê Na (30 tuổi) nhớ lại: “Đó là một lần đi vận động người dân về nội dung mỗi gia đình chỉ nên sinh nhiều nhất là 2 con, nhưng theo quan điểm của bà con là phải đẻ nhiều, đứa làm việc này việc kia. Bởi vậy, họ nhất quyết không nghe rồi đuổi nhân viên y tế thôn bản về. Thôn ở cách xa trung tâm xã, đường đi vào gập ghềnh, phải băng qua cả khe suối, đi tầm 1 tiếng mới đến nhà dân nhưng hết lần này tới lần khác cán bộ y tế thôn bản phải vào vận động bà con với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Quang Giao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, khẳng định: Bên cạnh các nhiệm vụ y tế, các cán bộ y tế thôn bản còn là những thông tin viên làm nhiệm vụ tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con. Đặc biệt, họ còn góp phần nắm rõ tình hình, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của bà con.
Lê Cảnh Ngọc Nhất (26 tuổi), một chàng trai quê Quảng Trị, khi vào công tác và nhận nhiệm vụ làm cán bộ y tế thôn bản đã từng không khỏi bàng hoàng khi bà con thôn Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ) nhiều năm trước không hiểu hết sự nguy hiểm của căn bệnh sốt. Bởi vậy, khi có người mắc bệnh vẫn chữa bằng lá rừng. Chứng kiến nhiều cảnh mắc bệnh thương tâm, Nhất càng có quyết tâm gắn bó với bà con nhiều năm, chăm sóc người bệnh trong thôn từ những ca bệnh nhẹ, cho đến những ca nặng, thậm chí còn phải tháp tùng người bệnh đi cấp cứu. Cán bộ y tế thôn bản phối hợp với trưởng thôn lồng ghép công tác tuyên truyền tới bà con trong những buổi họp thôn về công tác chăm sóc sức khỏe, như: Ăn chín, uống sôi, phát quang xung quanh nhà, vận động các hộ gia đình làm công trình phụ hợp vệ sinh, khi ốm cần đến trạm y tế xã để khám và điều trị... dần thay đổi nhận thức của bà con. Cũng nhờ vậy nên cán bộ y tế thôn bản dần được bà con tin yêu. “Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất với những người làm y tế thôn bản” - Nhất nói.
Bà Tô Thanh Thủy, Trưởng Phòng Tổ chức Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương cho biết: Hiện 33 cán bộ y tế thôn bản cắm chốt tại các thôn đều là cán bộ trẻ. Mức hỗ trợ cán bộ y tế thôn bản được hưởng bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung. Riêng y tế thôn bản tại khu vực thị trấn không có chế độ này. Công việc khó khăn, vất vả, phụ cấp hàng tháng eo hẹp nhưng với sự nhiệt tình, có trách nhiệm và lòng quyết tâm cao trong công việc nên những cán bộ y tế thôn bản vẫn ngày đêm miệt mài với công việc, vững tâm cắm chốt vững chắc tại tất cả các thôn bản để chăm sóc sức khỏe cho bà con.
N. NGÀ