Giữa sóng gió trùng khơi, chàng trai Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1996, hiện là sinh viên năm 4, Trường Ðại học Ðà Lạt) đã thốt lên như vậy, đầy xúc động và tự hào, khi lần đầu tiên được đặt chân lên các điểm, đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Và Tâm bốc một nắm cát ở đảo để mang về đất liền, như nâng niu một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa sóng gió trùng khơi, chàng trai Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1996, hiện là sinh viên năm 4, Trường Ðại học Ðà Lạt) đã thốt lên như vậy, đầy xúc động và tự hào, khi lần đầu tiên được đặt chân lên các điểm, đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Và Tâm bốc một nắm cát ở đảo để mang về đất liền, như nâng niu một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Nguyễn Thành Tâm giao lưu với cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017”. (ảnh nhân vật cung cấp) |
Tâm là một trong 20 sinh viên nằm trong 223 đại biểu được vinh dự tham gia vào hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua. Quê gốc ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, gia đình Tâm có truyền thống đi biển đánh cá từ lâu. Tâm hiểu rằng, với những con người cả một đời gắn bó với biển, tình yêu biển đảo luôn cháy bỏng trong tim. Và được đến Trường Sa là một giấc mơ, một khao khát lớn, bởi: “Trong đời người, nghe nhắc đến Trường Sa thì ai mà không mang ý nghĩ muốn đi, muốn sống một lần ở nơi hải đảo xa xôi mà thiêng liêng này”.
Bố Tâm cũng là một ngư dân. Nhưng ông chỉ đánh bắt gần bờ vì sức khỏe ông không tốt, cộng thêm mẹ Tâm hay bị suy nhược, nên đi xa bờ bám biển vẫn chỉ là một dự định mà ông chưa kịp một lần thực hiện được. Những lần nghe bố tâm sự, Tâm hiểu rằng đó thật sự là khao khát không chỉ của riêng bố, mà là của bất cứ một ngư dân nào. Nhưng rồi tai họa ập đến, bố Tâm mất trong một vụ tai nạn và điều ông muốn giờ vĩnh viễn chỉ là giấc mơ. Tâm đã thề với lòng mình rằng sẽ làm gì đó để báo đáp công ơn dưỡng dục của bố. Và rồi, như phép nhiệm màu, đúng ngày giỗ của bố, Tâm biết được thông tin nhà trường thông báo phát động dự tuyển sinh viên đi Trường Sa, và Tâm được chọn sau bài thi dự tuyển. “Tôi cảm thấy tự hào bởi chính tôi sẽ là người đại diện cho hơn 9 nghìn sinh viên Đại học Đà Lạt mang hơi ấm, tình thương nơi đất liền đến với các cán bộ, chiến sĩ và nhất là các em nhỏ đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, mang đến cái mà các em thiếu, mang đến nụ nười cho các em. Thật sự tôi rất hạnh phúc vì đó là một vinh dự to lớn trong cuộc đời, và cũng là cơ hội để tôi mang ước mơ của bố tôi trải dài lên dòng biển, trải lên chuyến hải trình mà tôi sẽ đi qua”- Tâm đã chia sẻ những tâm sự xúc động và chân thật như vậy, trong những dòng viết về cảm nghĩ của bản thân trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.
Trải qua hành trình với những ngày lênh đênh trên biển, được thăm viếng các đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đảo Trường Sa lớn, tượng đài Trần Quốc Tuấn tại đảo Nam Yết, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca...; được tham dự những buổi lễ chào cờ thiêng liêng trên các điểm đảo và được nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân, Tâm bảo rằng, tình yêu biển đảo trong em giờ đây to lớn hơn bao giờ hết. Bởi có trực tiếp ra đảo mới thấy hết được những khó khăn của các chiến sĩ, từ việc ăn uống, nguồn nước ngọt đến việc sinh hoạt. Và rất nhiều đại biểu trẻ như em cùng chung một cảm nhận, rằng mình như được sống một cuộc sống mới, một tuổi trẻ mới với những suy nghĩ mới khi thấy cách mọi người trên đảo nỗ lực, tìm mọi cách để giải quyết khó khăn.
Đã 5 tháng trôi qua kể từ khi Tâm kết thúc hành trình, nhưng trong câu chuyện với em, những kỷ niệm vẫn được em kể lại, hào hứng, háo hức và đầy xúc cảm - y như em chỉ vừa mới trải qua hành trình vào ngày hôm qua. Điều đọng lại trong Tâm, là hình ảnh các em thiếu nhi ở đảo dẫu còn quá nhiều thiếu thốn, thiệt thòi,... vẫn rạng rỡ và tươi vui hát tặng các đại biểu, là khoảnh khắc nhiều nước mắt mỗi lần đoàn đại biểu rời đảo lên tàu...
Và trong câu chuyện với người lính đồng hương Quảng Ngãi mà em gặp ở đảo Nam Yết, được nghe kể về tình người trên đảo, về nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ người yêu luôn đốt cháy trái tim mỗi người chiến sĩ, đã khiến Tâm trăn trở thật nhiều. Trở về từ chuyến đi, với tư cách là Chủ nhiệm CLB Nhịp sống giảng đường - CLB báo chí của Trường ĐH Đà Lạt, Tâm đã đề nghị lên Đoàn trường tổ chức chương trình “Cánh én ra đảo xa” - phát động các bạn sinh viên viết thư cho các chiến sĩ và gom lại những bức thư mang tâm tư, tình cảm đó, đóng thùng lại và gửi ra đảo xa - như một cách để khỏa lấp phần nào những thiếu thốn về tình cảm cho những con người nơi đầu sóng ngọn gió.
Được đến Trường Sa vào những ngày ở tuổi 20 rực rỡ, giữa nắng gió của Trường Sa thiêng liêng, Nguyễn Thành Tâm biết rằng, mình đã có tuổi 20 thật sự ý nghĩa.
VIỆT QUỲNH