Tuổi trẻ và điếu thuốc…

10:10, 26/10/2017

Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây đã báo cáo hoạt động về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá với Chính phủ. Theo đó, sau 4 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tình hình sử dụng thuốc lá của người Việt đang có xu hướng giảm. Với tín hiệu này, tuổi trẻ nên hành động như thế nào để tiếp tục góp phần vào tiến trình đẩy lùi tác hại của thuốc lá?

Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây đã báo cáo hoạt động về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá với Chính phủ. Theo đó, sau 4 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tình hình sử dụng thuốc lá của người Việt đang có xu hướng giảm. Với tín hiệu này, tuổi trẻ nên hành động như thế nào để tiếp tục góp phần vào tiến trình đẩy lùi tác hại của thuốc lá?
 
Việc nhận thức đúng đắn là yếu tố tiên quyết để thanh niên quyết định có hút thuốc hay không. Ảnh: P.N
Việc nhận thức đúng đắn là yếu tố tiên quyết để thanh niên quyết định có hút thuốc hay không. Ảnh: P.N

Theo kết quả “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)” năm 2016 nêu trên, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Đồng thời, tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7). Đáng chú ý là, trước đó, trong buổi lễ mít tính hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) diễn ra vào hồi tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết so với năm 2007, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% xuống còn 2,5%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm 18,8%. Với những kết quả đã bước đầu đạt được ấy, ở ngưỡng tuổi thanh thiếu niên - độ tuổi được coi là quyết định trong việc sử dụng hay không sử dụng thuốc lá, những người trẻ nên tiếp tục làm gì để góp phần giảm nhanh hơn nữa tỉ lệ này? 
 
Trở về từ vòng Chung kết Hội thi Tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017 diễn ra hồi đầu tháng 10 ở phạm vi toàn quốc, Hoài Nam (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) là thành viên trẻ nhất đội, anh vừa cùng đội thi của tỉnh đoạt giải A3 Hội thi. Đặt câu hỏi với Nam rằng anh ấn tượng nhất điều gì sau khi tham gia hội thi này, Nam bảo rằng đó chính là quy mô hội thi và những kiến thức thu nạp được về tác hại của thuốc lá và chắc chắn với kiến thức ấy thì anh sẽ không bao giờ “đụng” đến thuốc. Nam cho hay ở tuổi mới lớn, anh cũng từng bị bạn bè rủ rê nhưng sau 5 giây, khói thuốc làm anh ho sặc sụa và đã từ bỏ thuốc lá đến giờ. Tiếp tục hỏi thẳng Nam rằng trong các cuộc gặp gỡ, liên hoan, việc từ chối lời mời hút thuốc đối với thanh niên có khó hay không? Chàng chủ nhiệm của Câu lạc bộ Thiện nguyện yêu thương này thành thật trả lời nếu đã cảm thấy tác hại của thuốc lá, nếu đã không chịu được mùi hôi của thuốc lá thì dĩ nhiên là mỗi người phải biết tự bảo vệ mình để không ai có thể ép được. 
 
Khác với nam, C.H - một thanh niên làm việc trong ngành công nghệ thông tin đã sử dụng thuốc lá từ thời sinh viên. Lúc đầu H “hút chơi cho vui” rồi dần trở thành thói quen khó bỏ. Những người bạn của H cũng có cùng thói quen này và nhóm bạn cùng rít thuốc khi gặp nhau cà phê, tiệc tùng… Khi tập trung cao độ, lúc dằn vặt những chuyện tình cảm, khi khó khăn do áp lực công việc, vui - buồn, H đều làm bạn với thuốc. Đến lúc lập gia đình, đặc biệt là ở thời điểm gia đình nhỏ có em bé, H có ý định bỏ thuốc nhưng mới chỉ dừng ở ý định và vẫn cảm thấy không quá nhất thiết phải từ bỏ. Lý do chính vẫn là môi trường chung quanh, khi gặp bạn, H lại muốn cầm điếu thuốc. Dù các phương tiện truyền thông tuyên truyền khá nhiều về tác hại của thuốc lá nhưng vì cảm thấy sức khỏe “vẫn còn ổn” nên H duy trì thói quen này. 
 
Ở phạm vi toàn cầu, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố khảo sát tại 126 quốc gia cho thấy số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đã giảm 2,5% (từ 24,7% xuống còn 22,2%) trong một thập kỷ sau khi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO bắt đầu có hiệu lực năm 2005. Đầu năm nay, Singapore đã tăng độ tuổi được phép hút thuốc từ 18 lên 21 tuổi. Có thể nói, với những tác hại lớn của thuốc lá đối với người hút thuốc chủ động và người phải hút thuốc thụ động thì công cuộc hạn chế, tiến tới từ bỏ thuốc lá đang chờ đợi quyết tâm của cộng đồng cao hơn, trong đó có giới trẻ. 
 
Hạn chế, tiến đến bỏ thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc đã được kêu gọi thực hiện tại rất nhiều địa phương, các cơ quan, đơn vị. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhưng tựu trung lại vẫn là quyết tâm từ bỏ của người hút và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Lâm Đồng, có thể thấy các hành động thiết thực để “xua tan” khói thuốc như: chuyến xe không thuốc lá của Công ty TNHH Thành Bưởi, văn hóa học đường không thuốc lá tại Trường Đại học Yersin... Tổ chức Đoàn cũng đã có những hành động thiết thực để phòng, chống tác hại của thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên. Về phía Đoàn khối Các cơ quan tỉnh, anh Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Đoàn khối cho biết, Đoàn khối đã có những nội dung phát động đoàn viên, thanh niên không hút thuốc lá, dán bảng không hút thuốc ở khu vực công cộng, phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội thi tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá... Theo anh Mạnh Hùng, việc nhận thức đúng đắn là yếu tố tiên quyết để thanh niên quyết định có hút thuốc hay không, nếu đã hút thì hạn chế dần và tiến đến từ bỏ vì sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, không nên vì sự bốc đồng của tuổi trẻ mà bắt đầu hút thuốc với việc hút cho vui, hút theo bạn bè...
 
HẢI YẾN