Phiên tòa giả định - một hoạt động được thực hiện thường xuyên tại các trường học, các huyện, xã trong tỉnh mà Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng đang triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên.
Phiên tòa giả định - một hoạt động được thực hiện thường xuyên tại các trường học, các huyện, xã trong tỉnh mà Tỉnh Ðoàn Lâm Ðồng đang triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh niên.
|
Phiên tòa giả định tại Trường Đại học Đà Lạt vào tháng 11/2017. Ảnh: D.T |
Đầu tháng 11 vừa qua, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đã tổ chức “Phiên tòa giả định” hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ngay tại Trường Đại học Đà Lạt. Với kịch bản “Xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Diễm Lệ và đồng bọn về tội mua bán trái phép chất ma túy” đã thu hút hơn 1.000 sinh viên dự khán. Tại phiên tòa giả định ấy, các sinh viên đã “nhìn rõ” hơn cái kết cho việc không giữ gìn bản thân, sử dụng ma túy và tham gia buôn bán ma túy trước cuộc đời đầy cám dỗ. Một hồi chuông cảnh báo cho những bạn trẻ có lối sống không lành mạnh, trượt dài theo những lôi kéo, dụ dỗ của những thành phần xấu.
Anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Câu lạc bộ sinh viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Qua phiên tòa giả định, sinh viên đã được tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật, quy định mới trong các văn bản pháp luật được thông qua năm 2016 và các văn bản luật được Quốc hội thông qua năm 2017. Bên cạnh đó, giáo dục ý thức và lợi ích của việc tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong chủ động tìm hiểu, học tập và chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt việc tốt trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội.
Sinh viên Đoàn Minh Tuấn - Khoa Luật học cũng chia sẻ: Em thấy đây là một hoạt động rất thiết thực với sinh viên và giới trẻ. Dự phiên tòa giả định như thấy ngay trước mắt hậu quả khôn lường, nỗi đau cho nhiều người nếu một lần sa ngã, từ đó bản thân phải rèn luyện nhiều hơn, sống đẹp, sống có ích hơn, thêm vào đó các sinh viên chuyên ngành Luật như em cũng được cọ xát hơn với các thực tế có thể gặp sau khi tốt nghiệp.
Là một hoạt động thường xuyên do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phát động và tổ chức, các “Phiên tòa giả định” luôn khá mới mẻ, đầy thú vị vì sức lôi cuốn từ các tình huống giả định. Các tình huống rất gần với thực tế của sinh viên, đoàn viên, thêm vào đó, những người tham gia tố tụng, từ chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, đại diện viện kiểm sát, đến luật sư, bị cáo, bị hại... và người làm chứng đều được các sinh viên đóng vai, diễn xuất rất sáng tạo, thu hút người xem.
Anh Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho hay: Các phiên tòa giả định đã làm nổi bật hành vi phạm tội của bị cáo, như: Thiếu hiểu biết pháp luật và muốn hưởng lợi bất chính. Được đối tượng khác cho sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị cáo đã có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Những tình huống nêu trên rất dễ xảy ra đối với lứa tuổi học sinh ngày nay. Bên cạnh đó, phiên tòa phân tích sâu vào nhân thân của các bị cáo để tìm tình tiết giảm nhẹ. Người đóng vai bị cáo đã hoàn thành tốt diễn biến tâm lý khi nghe hội đồng xét xử phân tích hành vi phạm tội có thể xảy ra hàng ngày trong giới trẻ, là lời răn đe, giáo dục pháp luật gần gũi nhất với các bạn trẻ.
Thực tế, “mềm hóa” pháp luật với những phiên tòa giả định và những kịch bản đời thường, gần gũi với đời sống thường ngày là cách tuyên truyền pháp luật đến học sinh, sinh viên, giới trẻ một cách hiệu quả. Từ những phiên tòa giả định, những tình huống giả định nhưng để lại những bài học rất thật cho những người theo dõi hiểu được hậu quả và sự trả giá quá đắt do thiếu hiểu biết và không chấp hành các quy định của pháp luật cũng như việc thiếu kiềm chế trước nhiều tình huống trong cuộc sống. Qua đó, giúp mọi người chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, để trở thành công dân tích cực trong đời sống xã hội.
DIỄM THƯƠNG