Đến bây giờ, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất sau gần 7 năm gắn bó với nghề báo và mảnh đất Lâm Đồng vẫn là những chuyến đi. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện, một trải nghiệm mới mẻ, và thanh xuân của tôi đã dần được lấp đầy, trưởng thành từ bao chuyến ngược xuôi đến những vùng đất từ xa lạ mà đã hóa thân quen tự bao giờ.
|
Tác giả trong một lần tác nghiệp tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông |
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, thế nên, mọi thứ của vùng cao nguyên Lâm Đồng đều lạ lẫm với một cô gái 22 tuổi vừa chập chững bước vào nghề. Ở đồng bằng chỉ có lúa và rau, chỉ khi đi làm báo, tôi mới được nhìn tận mắt cây cà phê, cao su, sầu riêng, mắc ca, ca cao... Không ít lần, các anh chị đồng nghiệp phải bật cười vì những tiếng “ồ”, “à” mà đứa em thốt lên như khám phá ra điều gì lý thú. Lạ lẫm đến mức, chuyến công tác đầu tiên khi bước chân vào Báo Lâm Đồng là xuống huyện Đam Rông, tôi đã mặc nguyên chiếc áo dạ giữ ấm vì nghĩ rằng Đam Rông “chắc” cũng như Đà Lạt,...
Những sự “ngáo ngơ” đó, dần được sửa chữa và cải thiện sau mỗi chuyến đi, cùng với sự dìu dắt, đồng hành của các anh, chị đồng nghiệp. Với tôi, đó là một may mắn lớn. Rất nhiều bài học, kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp được chia sẻ; những cụm từ xa lạ, khái niệm mới mẻ với tôi lúc đó như “xây dựng nông thôn mới”, “nông nghiệp công nghệ cao”,... được các anh chị giới thiệu dọc đường đi. Những ngày đầu, chưa biết sức khỏe của đứa em nhỏ tuổi và cả nhỏ người nhất cơ quan thế nào, nên khi đưa tôi đi công tác cùng, các anh chị liên tục hỏi “có mệt không em?”, chăm sóc từng chút, từng chút một. Những tình cảm đó, với một người con xa quê, xa gia đình, luôn luôn làm tôi cảm động và biết ơn.
Với tôi, làm báo vừa là nghề, vừa là niềm vui, bởi chưa bao giờ tôi thôi cảm thấy may mắn vì nhờ làm báo mà mình có điều kiện để có những trải nghiệm quý giá. Không ít ngày chênh vênh của tuổi trẻ và nghi ngờ với chính bản thân, tôi chọn cách xách ba lô lên và đi - nhưng thay vì đi du lịch như nhiều người, tôi về với những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ở đó, chỉ cần được nói cười với những cô, chú nông dân chân chất, nghe chuyện xây dựng vùng kinh tế mới, nghe già làng kể chuyện ngày xưa... là tinh thần tôi lại được vực dậy, hạnh phúc và phấn chấn để tìm hiểu thêm những điều mới mẻ xung quanh mình. Làm báo rồi, được đi nhiều, gặp gỡ nhiều và được nghe nhiều, tôi mới nhận ra rằng mỗi người đều mang trong họ một câu chuyện riêng và không có câu chuyện nào là tẻ nhạt. Thế nên, tôi đón nhận và lắng nghe những câu chuyện đó, với tất cả sự trân trọng và hứng thú, say mê.
Niềm vui của người làm báo, không gì hơn là tác phẩm của mình được độc giả đón nhận và tạo hiệu ứng trong xã hội.
Mỗi câu chữ đều được chăm chút, mỗi cảm xúc trong bài đều được nâng niu. Thế nên, đã có không ít những giọt nước mắt nản lòng khi những bài viết vụng về ban đầu bị tòa soạn trả lại, hay những bài viết hiện tại nhận những lời chê bai. Nhưng cũng chính nhờ những sự góp ý đó mà tôi rút kinh nghiệm và cố gắng thêm từng chút, từng chút mỗi ngày.
Con gái làm báo chắc có lẽ được rèn luyện dần sau mỗi chuyến đi, nên chuyện gì cũng thấy “bình thường”. Là những lần chạy xe máy một mình hơn 100 km trong mưa để xuống huyện, những lần bắt xe đi công tác lúc sáng sớm hay chiều muộn, những đêm ngủ nhờ nhà người dân trong thôn tối om vì chưa có điện, những lần té xe vì bùn lầy, dắt xe giữa nước lũ vì mưa lớn... Niềm say mê và tự hào với nghề giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Với tôi, còn có thêm kỷ niệm về những ngày mà lần đầu tiên trong cuộc đời phải truyền nước vì kiệt sức trên tàu đến với Trường Sa; hay những ngày ngồi xe máy hơn 200 km xuống Cát Tiên, vì dịch COVID-19 căng thẳng vào năm 2021 mà hàng quán phải đóng cửa, không có chỗ nghỉ dọc đường, anh đồng nghiệp phải dừng xe ngay gốc cây bên đường để uống tạm hộp sữa cho đỡ run tay vì đói và mệt...
Những câu chuyện đó, chưa bao giờ tôi dám kể với mẹ, bởi sợ mẹ lo lắng, xót xa cho cô con gái nhỏ đã chọn một con đường mà ở nhà ai nghe cũng tặc lưỡi “chọn chi cái nghề vất vả”. Nhưng niềm hạnh phúc sau mỗi chuyến đi, mỗi lần gặp gỡ hay mỗi bài viết được nâng niu của con gái, chắc mẹ cảm nhận được trong mỗi cuộc video call qua ánh mắt, giọng nói và nụ cười.
Bước vào năm thứ 7 gắn bó với Báo Lâm Đồng, còn quá non trẻ với nghề và chưa ghi được nhiều dấu ấn, còn quá nhiều bỡ ngỡ và vụng về, tôi vẫn đang trên hành trình học tập, trải nghiệm để trưởng thành từng ngày. Với tôi, những điều mình học được từ nghề, từ anh chị em đồng nghiệp chưa bao giờ là đủ. Không phải không có lúc nản lòng vì vất vả, cực nhọc, nhưng đến bây giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào và chưa một lần thấy hối tiếc vì con đường mình đã chọn, về nơi mà tuổi trẻ mình đã chọn và thuộc về...
VIỆT QUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin