Khá nhiều lần tiếp xúc với các bạn sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) qua những sự kiện như Tết cổ truyền Bunpimay, Lễ nhận đỡ đầu sinh viên Lào,... giữa chúng tôi, mỗi lần một sắc thái cảm xúc nhưng luôn đong đầy thân thiện và ấm áp được hun đúc từ tình hữu nghị...
Bà Phạm Thị Phúc (Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng) nhận đỡ đầu SV Lào |
•
ÂN TÌNH SẺ CHIA TRONG HÒA NHẬP
Tết Bunpimay tổ chức trong ký túc xá sinh viên (SV) Lào và Việt Nam. Trang phục truyền thống, SV Lào thực hiện nghi lễ Té nước mừng năm mới; thi nấu ăn các món truyền thống; diễn văn nghệ... Cán bộ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Đoàn trường đại học và SV Việt Nam hòa chung với SV Lào trong điệu múa lăm-vông và giao lưu ẩm thực... Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL, PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên Trường ĐHĐL tổ chức chúc mừng Tết truyền thống Lào. Thay mặt lãnh đạo trường, tôi mến chúc các bạn SV Lào đầu năm mới có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Mong những ngày học tập tại Đà Lạt, các em lĩnh hội được thật nhiều kiến thức để khi tốt nghiệp ra trường trở về phục vụ tốt cho đất nước Lào anh em”. Bạn Mounthisene Chanthaphone (tên tiếng Việt là Lem), SV ngành Môi trường, năm thứ 4 chủ trì nghi lễ chúc mừng năm mới và lễ buộc chỉ tay. Lem chia sẻ: “Mặc dù xa nhà không về được dịp Tết, nhưng được các thầy cô và các anh chị tổ chức lễ Tết này, tụi con coi như là một gia đình mới. Rất vui và hạnh phúc. Thay mặt các bạn, con xin được cảm ơn các thầy cô, các bạn nhiều”...
Chương trình Lễ đỡ đầu do Hội Hữu nghị Việt-Lào tỉnh Lâm Đồng và Trường ĐHĐL tổ chức long trọng tại hội trường lớn. Nhiều tình cảm nồng hậu đối với 22 SV Lào được sẻ chia từ các vị lãnh đạo: Ông Nguyễn Bạn - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng, ông Vănxay Saysena - Phó Tổng lãnh sự quán Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu Trường ĐHĐL... và các phụ huynh là gia đình ở Lâm Đồng nhận đỡ đầu SV Lào đang học tập tại trường. Vòng tay ấm ôm, tình yêu thương lan tỏa... Các SV Lào ân cần đến từng đại biểu thực hiện lễ buộc chỉ cổ tay, nét đẹp và độc đáo văn hóa hiếu khách của người dân xứ sở Triệu Voi với thông điệp những lời chúc bình an và may mắn...
•
QUAN TÂM GIÚP ĐỠ TOÀN DIỆN
Hiệu trưởng Trường ĐHĐL TS. Lê Minh Chiến cho biết: “Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm đặc biệt về việc kết nghĩa giữa Lâm Đồng với các tỉnh của Lào là Champasak và Bolykhamxay về nhiều mặt và toàn diện, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đảng ủy ĐHĐL chỉ đạo coi việc này là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình hoạt động quan hệ quốc tế của trường”. Nhà trường đã nhận trách nhiệm đào tạo và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em an tâm học tập, lo cho SV Lào nhiều mặt từ tết cổ truyền Việt Nam và Lào đến các điều kiện sinh hoạt và phòng, chống dịch COVID-19...
Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế Trường ĐHĐL, vừa là một trong 21 gia đình đỡ đầu SV Lào cho biết: “Hiện, Trường đang tiếp nhận tổng cộng 25 du học sinh Lào đến học tập và sinh hoạt; đã có 2 SV của tỉnh Champasak là những du học sinh đầu tiên vừa tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường và về nước phục vụ công cuộc phát triển đất nước Lào, cũng như tiếp tục là những cầu nối ngoại giao cho mối quan hệ giữa 2 địa phương nói riêng và hai quốc gia nói chung; trong đó có việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Trường ĐHĐL và Trường Đại học Champak”. Bà Trịnh Thị Tú Anh cũng chia sẻ, SV Lào luôn nhận được quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng; sự yêu thương, đùm bọc của các gia đình cư dân địa phương Lâm Đồng nhận các em là con nuôi và đặc biệt là sự dìu dắt, nâng đỡ và truyền đạt các tri thức của cán bộ, viên chức và người lao động Trường ĐHĐL. Trước khi học đại học chuyên ngành Môi trường, Luật học, Quản trị kinh doanh, Nông lâm, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Kế toán các em được học tiếng Việt một năm...
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, ngày 20/7/2022, Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV Lào trong thời gian nghỉ hè. Trong đó, 18 SV ở lại 2 tháng tại trường được hỗ trợ 3,630 triệu đồng/tháng/SV; 5 SV đã tốt nghiệp ra trường được hỗ trợ 5 triệu đồng/SV. Mỗi du học sinh Lào nhập học ở Lâm Đồng đều được giúp đỡ kinh phí trong 10 tháng về đào tạo, bảo hiểm y tế, sinh hoạt phí... căn cứ theo Thông tư 24/2018 của Bộ Tài chính.
• ẤN TƯỢNG MẠNH VIỆC ĐƯỢC ĐỠ ĐẦU
Tháng 7/2022, chúng tôi trở lại ký túc xá gặp SV Lào đang nghỉ hè, gồm 16 nam và 8 nữ. Sinh viên Phousaming Sanavong (Minh) sinh năm 2001, học ngành Luật, khóa 44 nói: “Thời gian học ở Trường ĐHĐL, mọi người đều thân thiện, thầy cô và nhiều bạn bè giúp đỡ cháu nhiệt tình để học tập. Trường giúp đỡ nhiều về điều kiện sinh hoạt. Còn khó khăn nhất là chưa hiểu sâu về ngôn ngữ Việt’... Sinh viên Khampaseuth Maokhamphou (Khang) sinh năm 2003 mới sang Việt Nam 2 tháng, đang học tiếng Việt để theo ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh khóa 46. Trước khi đến ĐHĐL, Khang được du lịch một nơi ở Việt Nam cùng gia đình vì có bố là người Việt làm nghề phiên dịch. “Lần này con đến với Trường ĐHĐL cảm nhận có nhiều hoa và cây xanh, khí hậu rất mát mẻ. Tụi con được chơi bóng chuyền, cầu lông với các anh SV Việt Nam rất vui vẻ…”.
Còn Sisahad Mayoulanth (Mây) là nữ sinh sinh năm 1999, đã tốt nghiệp ngành Luật khóa 42. Cũng chia sẻ được hỗ trợ nhiều điều kiện học tập, sinh hoạt, SV không đóng bất kỳ khoản phí đào tạo nào, Mây ấn tượng nhất trong 4 năm học là được nhận đỡ đầu. “Hôm đó con đã khóc”, Mây cười và nói. Cô được ba mẹ đỡ đầu đưa đi du ngoạn, ăn tết cổ truyền Việt Nam tại nhiều vùng quê. Được sinh hoạt với các gia đình đỡ đầu, SV Lào đón nhận những tình thương yêu từ các gia đình Việt và mở mang tri thức, văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt. Quyết định ở lại Việt Nam của Mây là muốn tiếp tục học thạc sĩ nếu được tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoặc tìm việc làm ngành Luật ở Đà Lạt để nâng cao kiến thức. Có thể hiểu, trường hợp của Mây đang chứng minh sinh động mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào ngày càng đâm chồi nẩy lộc và đơm hoa kết trái.
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin