Hồi kèn xung trận

LINH NHÂN 06:48, 16/01/2023

Xuân Quý Mão năm 2023 đã về, chúng ta bồi hồi nhớ lại những vần thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian đã đi qua 55 năm nhưng âm hưởng, sức lan tỏa của bài thơ vẫn còn vang vọng, tiếp tục thúc giục chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Cuối năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bắt đầu chuyển sang một thời kỳ mới. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt và tháng 1/1968, Trung ương mở Hội nghị lần thứ 14, Bác Hồ đã chủ trì các cuộc họp này, để thông qua kế hoạch mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động lắng nghe Bác Hồ đọc bài thơ chúc Tết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt; lời thơ mộc mạc, giản dị, quyết liệt nhưng lại rất giàu nhạc điệu, mang âm hưởng hào sảng của hồn cốt non sông đất nước, truyền cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nguồn sinh lực, sức mạnh niềm tin chiến thắng để xông lên chiến đấu chống quân xâm lược, giành toàn thắng về ta. 

Mở đầu bài thơ, Bác viết “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, một lời tiên đoán nhưng mang tính khẳng định về một niềm tin vững chắc vào chiến thắng lớn hơn hẳn của xuân này so với mấy xuân qua. Câu thơ với hai từ “xuân” đã gieo vào lòng người một cảm giác tươi mới, sinh sôi về một mùa xuân đang dâng tràn trên khắp mọi miền đất nước. Người nghe cũng cảm nhận đây không chỉ là một sự so sánh đơn thuần giữa “xuân này” với “mấy xuân qua” mà ý tứ sâu xa của câu thơ là lời khẳng định, là niềm tin vào thắng lợi của sự chuyển hướng chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với câu mở đầu này, Bác Hồ đã khéo léo chuyển tải đến người nghe về chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta; trong đó chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã thành nghị quyết là đánh Mỹ trên toàn miền Nam ngay từ giao thừa Tết Mậu Thân 1968. Đây chính là điều để Bác khẳng định “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. 

Câu tiếp theo Bác viết: “Thắng trận tin vui khắp nước nhà”. Câu thơ đã gieo vào lòng người một niềm tin, một lời loan báo tin vui chiến thắng to lớn của đồng bào và chiến sĩ miền Nam thành đồng Tổ quốc. Đây chính là một lời tiên đoán nhưng có tính khẳng định chắc chắn của Bác Hồ về những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong năm 1968; từ đó tạo được niềm tin tất thắng cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, nhất là những người con miền Nam tập kết ra Bắc đang nóng lòng muốn trở về miền Nam chiến đấu để nhanh chóng giải phóng quê hương, thu non sông đất nước về một mối. 

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra đặc trưng của thơ Bác Hồ, đặc biệt là thơ chúc Tết mang tính dự báo, tính tiên tri rất rõ nét và rất chính xác. Hai câu đầu của bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 đã thể hiện sự tiên tri ấy. Điều này lại càng được xác thực qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ về phút giao thừa năm 1968 bên cạnh Người: “... Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua...” Trong căn phòng vắng chỉ có hai người... Khi đài đọc xong câu cuối của bài thơ “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”, tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng...”. Phải đến gần hết sáng mùng Một Tết Mậu Thân, mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: “Đánh khắp miền Nam”. Ánh mắt Bác rực sáng niềm vui”.

Câu thứ ba, Bác viết: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, là một lời cổ vũ, có tính chất kêu gọi và khích lệ động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ và chiến sĩ khi mùa xuân về trên khắp các mặt trận ở miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Đồng thời, đây cũng chính là lời giao ước thi đua giữa đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc cùng nhau đánh giỏi hơn nữa, đánh mạnh hơn nữa và giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Câu kết của bài thơ “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” được vang lên như một lời hịch non sông, một lời hiệu triệu thúc giục đồng bào và chiến sĩ cả nước muôn người như một đồng tâm, hiệp lực, thừa thắng xông lên đánh đuổi quân xâm lược Mỹ, giành được thắng lợi hoàn toàn “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Khi trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đúng vào phút giao thừa thiêng liêng nhất của dân tộc, Bác Hồ đọc hết câu thơ: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, tất cả các mặt trận trên toàn miền Nam đều đồng loạt nổ súng tổng tiến công vào bọn Mỹ-ngụy. Một mùa xuân mới với những chiến công to lớn hơn những mùa xuân trước đã bắt đầu. Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ đọc đúng vào đêm 29 rạng ngày 30/1/1968 (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân) đã trở thành “hiệu lệnh” mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt diễn ra ở hầu hết các thành phố, thị xã; các sào huyệt và cơ quan đầu não của địch. 

Thực tế, hàng năm Bác đều có thơ chúc Tết (22 bài thơ chúc Tết) và cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại mong ngóng đợi chờ, háo hức, rộn ràng đón nhận thơ chúc Tết của Bác Hồ, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết. Nhưng điểm độc đáo của bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác chính là “hiệu lệnh” mở màn cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. 

Bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ chỉ có 28 từ, bố cục chặt chẽ, lời thơ mộc mạc, giản dị như chính cuộc sống của Người, song mỗi câu thơ và cả bài thơ mang âm hưởng nhạc họa tươi vui, tràn đầy khí thế và niềm tin, có sức truyền cảm mạnh mẽ niềm vui đầu năm mới, một mùa xuân mới - Xuân Mậu Thân 1968 đến với mọi người. Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt (câu 1, 2 và 4 cùng vần) với lối dùng vần “a” ở cuối câu: “...xuân qua/ nước nhà/ về ta” rất độc đáo và tinh tế, mang sắc thái biểu cảm, ngân vang đã làm cho bài thơ như một bài ca chiến thắng, vừa nhẹ nhàng, vừa hùng tráng, thấm sâu vào lòng người và sống mãi với thời gian. Nét độc đáo của bài thơ không chỉ là sự khéo léo truyền tải chủ trương của Đảng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mà còn cho chúng ta cả một bài ca chiến thắng, một dự đoán thiên tài về sự tất thắng của quân và dân ta trong trận đánh mùa xuân lịch sử này. Đó chính là cái đẹp, cái hay và sâu sắc của bài thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 cũng như thơ văn Hồ Chí Minh.

55 năm mùa xuân đã đi qua nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ chúc Tết Mậu Thân năm 68 của Bác Hồ, trong lòng chúng ta, ai cũng rưng rưng xúc động bởi lời thơ của Bác đã gieo vào lòng người một niềm vui phấn khởi vô bờ và giúp ta bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc trong mùa xuân “hơn hẳn những xuân qua” - Xuân Mậu Thân 1968. Cũng bởi vì lẽ đó mà bài thơ chúc Tết của Bác luôn sống mãi với thời gian như một bản tình ca bất tử, một hiệu lệnh thúc giục, động viên, khích lệ đồng bào cả nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một nước hùng cường, thịnh vượng. Xin kết thúc bài viết bằng vần thơ Tố Hữu: “Bác ơi! Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ xuân sang...” (Theo chân Bác).