(LĐ online) - Sáng ngày 16/2, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chủ trì, điều hành buổi giám sát |
Chương trình dưới sự điều hành chủ trì của ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn giám sát, bà Phạm Thị Hồng Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Cùng dự có ĐBQH K’Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đại diện Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, thành viên Tổ Tư vấn chính sách, pháp luật…
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 88 đó là: Sở GDĐT triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định và lộ trình thực hiện. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 496/604 trường (đạt tỷ lệ 82,12%), đây vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời là điều kiện quan trọng để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Công tác tuyên truyền kịp thời, triển khai sâu rộng đến toàn thể nhân dân để hiểu rõ việc cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nên tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu đã chuyển biến nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Học sinh bước đầu đã được tiếp cận và làm quen với phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng hiện đại nên đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới tư duy, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, chưa chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ bộ môn, kế hoạch bài dạy.
Thành viên Đoàn giám sát nêu câu hỏi về những tồn tại, bất cập trong thay đổi sách giáo khoa |
Hiện nay, chưa triển khai được các lớp đào tạo giáo viên dạy liên môn ở cấp THCS nên khó khăn cho giáo viên dạy học môn tích hợp theo hướng đồng tâm; việc bố trí giáo viên dạy Tài liệu giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa phù hợp với năng lực chuyên môn, sở trường công tác nên hiệu quả dạy học chưa cao. Còn thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THPT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu, vừa không đồng bộ; thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn và các phương tiện dạy học bước đầu được đáp ứng, tuy nhiên chưa đảm bảo về số lượng, chủng loại và chất lượng so với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục; chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Phòng học bộ môn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh như: Cấp Tiểu học thiếu phòng Mĩ thuật, phòng Khoa học - Công nghệ, phòng đa chức năng. Cấp THCS thiếu phòng Âm nhạc, phòng Mĩ thuật, phòng đa chức năng. Trang thiết bị dạy học đa số chưa đáp ứng, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 3, 7, 10 chưa được trang bị.
Các thành viên Đoàn đặt vấn đề về: Cần làm rõ thêm về hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong thực hiện các đề án liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đề nghị báo cáo cụ thể hơn đối với các nội dung kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ngành và các địa phương. Thực tế có tình trạng giáo viên yêu cầu học sinh mua những đầu sách không nằm trong danh mục quy định của Bộ GDĐT hay không; tình trạng giáo viên nghỉ việc nhiều; nên lấy ý kiến của nhân dân khi lựa chọn, thay đổi chương trình, sách giáo khoa; vừa định hướng nghề nghiệp, vừa phân luồng; chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với vùng miền, đối tượng học sinh; đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn phương pháp giáo dục mới. Khi thay đổi sách giáo khoa gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân vì thế có cần thiết phải thay đổi sách giáo khoa hay không; còn bất cập nhiều từ thực tiễn, ý kiến phụ huynh còn cho rằng giá sách giáo khoa còn cao…
Đại diện Sở GDĐT, các phòng, ban liên quan đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu.
Quang cảnh buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Tạo nhấn mạnh, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, đoàn ĐBQH sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào vào chương trình xây dựng luật để xây dựng và thông qua Luật Nhà giáo. Đối với Chính phủ, đoàn sẽ tiếp tục xem xét để quy định chính sách về lương cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm động viên, khuyến khích các nhà giáo yên tâm công tác; ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo viên khu vực khó khăn. Bộ GDĐT có cơ chế đảm bảo bổ sung kịp thời số lượng biên chế giáo viên theo định mức để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng, đoàn sẽ đề nghị quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày cấp Tiểu học đảm bảo đúng quy định.
Riêng đối với Sở GDĐT, đề nghị tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10 năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo. Rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt là các môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp THPT. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới đã được đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Đề án của Chính phủ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin