(LĐ online) - Sáng 8/2, sau khi đi kiểm tra thực tế diện tích trồng rừng sau giải tỏa và công trình đầu tư công, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp phát biểu tại buổi làm việc |
Theo báo cáo của UBND huyện Đam Rông, tổng diện tích giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện là 39.233,6 ha, trong đó diện tích giao cho 1.249 hộ người đồng bào DTTS, hộ người kinh nghèo và cộng đồng 29.804,03 ha; số diện tích còn lại giao khoán cho các đơn vị (Công an huyện, Ban CHQS huyện, Ban CHQS xã Liêng S’rônh), các đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước và các đơn vị chủ rừng nhà nước tự quản lý.
Đến nay, các đơn vị chủ rừng đã hoàn thành nghiệm thu trồng rừng năm 2022 với diện tích 73,36 ha, chăm sóc rừng trồng các năm 229,78 ha. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát hiện trường chuẩn bị công tác trồng rừng năm 2023 nhằm đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra.
Công tác thuê đất, thuê rừng từng bước đạt hiệu quả. Theo thống kê, trên địa bàn huyện còn 15 dự án thuê đất, thuê rừng để trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp với tổng diện tích 2.945,41 ha, trong đó có 9 dự án thuê đất, thuê rừng để thực hiện trồng rừng kinh tế, trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi gia súc; 2 dự án trồng cao su và trồng rừng kinh tế; 3 dự án nuôi cá nước lạnh kết hợp quản lý bảo vệ rừng và 1 dự án thuê đất, thuê rừng làm du lịch sinh thái.
Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì vậy UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 10043/UBND-NC ngày 30/12/2022 về việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa khô, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và xây dựng, phê duyệt phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Đôn đốc thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; cùng với tình hình thời tiết tháng 1/2023 thuận lợi nên đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.
Về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra phát hiện 4 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2022; diện tích rừng bị thiệt hại 3.600 m2, khối lượng lâm sản thiệt hại 33,347 m3…
Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được UBND huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; số vụ vi phạm nổi cộm, có mức thiệt hại lớn vẫn ở mức cao; tình trạng mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp còn diễn ra khá phổ biến; việc xử lý hành chính đối với các đối tượng vi phạm là đồng bào DTTS rất khó khăn do đa số là hộ nghèo, cận nghèo không có tiền để nộp phạt, không có tài sản để cưỡng chế nộp phạt nên dẫn đến tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2022, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công được trên 323,6 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 141 công trình, dự án. Tính đến nay, huyện Đam Rông đã giải ngân vốn đầu tư công trên 296 tỷ đồng, đạt trên 91,8% vốn được phân bổ trong năm. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: do có nhiều biến động, thay đổi về giá cả; đơn giá nguyên vật liệu, nhân công, ca máy có thời điểm tăng đột biến; trong khi đó, thời điểm phê duyệt dự án và thời điểm thực hiện dự án cách xa nhau; giá cả thay đổi, biến động đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện còn chậm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Nguồn vốn chưa được bố trí kịp thời; bảng giá bồi thường về nhà ở, đất đai, vật kiến trúc, cây trồng còn thấp, chưa phù hợp với giá thị trường, chưa tương xứng với tài sản của người dân bị ảnh hưởng khi giải tỏa tại các dự án, gây thiệt thòi đối với người dân; nhiều dự án kéo dài thời điểm triển khai nhưng vẫn áp giá đền bù tại thời điểm giải phóng mặt bằng dẫn đến một số người dân khiếu nại, không đồng ý nhận tiền bồi thường... nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, công trình.
Trong năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công huyện Đam Rông trên 299,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện quản lý trên 45,4 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh 121,2 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia 102,8 tỷ đồng, gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Xây dựng nông thôn mới. Đến hết ngày 31/1/2023, giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trên 9,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,06% kế hoạch vốn.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của huyện Đam Rông và các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đề nghị huyện Đam Rông tiếp tục tuyên truyền bà con nhân dân chăm lo sản xuất, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để giảm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Qua đó, giúp người dân hiểu, nâng cao ý thức, trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; đồng thời phát hiện sớm, xử lý nhanh và xử lý dứt điểm để gắn với người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Để giảm trên tất cả 3 mặt về số vụ, số diện tích và số lâm sản bị thiệt hại; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình chống đối, phá hoại để làm gương.
Đối với đầu tư công năm 2023, cần phát huy và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, các nguồn vốn đầu tư phải đảm bảo về tiến độ, chất lượng công trình. Cần rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết từng nguồn vốn, từng dự án và tiến độ giải ngân theo từng quý và phấn đấu đến 30/6 phải giải ngân đạt từ 50 – 60% kế hoạch vốn, đến hết quý III phải đạt từ 80 – 90%. Bên cạnh đó, cần tập trung công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng, ưu tiên và bố trí các nguồn vốn nhất là thực hiện các công trình trọng điểm. Các sở, ngành liên quan của tỉnh cần phối hợp, hỗ trợ huyện Đam Rông để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra.
Đối với các kiến nghị, đề xuất Dự án quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do tại Tiểu khu 179 và Dự án Sắp xếp ổn định dân cư Tiểu khu 181 (xã Liêng S’rônh) của huyện…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất để làm cơ sở triển khai thực hiện cấc chủ trương khác…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin