(LĐ online) - Ngày 25/5, Huyện ủy Đơn Dương tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 -2025.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trao Huân chương Lao động cho 2 cá nhân |
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đã tới dự.
Theo đánh giá, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận của Nhân dân, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đơn Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; phương án sản xuất đảm bảo an toàn, thích ứng trước diễn biến dịch bệnh Covid-19; các chương trình kinh tế trọng tâm và các công trình xây dựng trọng điểm được quan tâm triển khai thực hiện.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội; diện mạo nông thôn, nông nghiệp và đô thị có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội, văn hóa, thể thao... không ngừng phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân.
Đồng chí Trương Văn Tùng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân xuất sắc |
Các hoạt động thu hút đầu tư được đẩy mạnh; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, đến khảo sát và đề nghị đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn huyện.
Huyện cũng duy trì các chỉ tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới và hướng tới đạt kiểu mẫu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ trên các lĩnh vực; triển khai thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng.
Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; chấn chỉnh hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số kết quả nổi bật có thể điểm qua như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 8% (chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết đạt 7,6%); tổng thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 18,2% (chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết là 11-12%); thu thuế, phí tăng bình quân 18,8% (chỉ tiêu là 12-14%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,5%; đa số các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch...
Đồng chí Trương Văn Tùng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Đinh Thị Mai – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho các cá nhân xuất sắc |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của huyện. Tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, trên 50%; cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất trong Nhân dân chưa đồng đều; việc liên kết theo 17 chuỗi giá trị để nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả nông sản còn chậm và chưa bền vững; công nghiệp chế biến chậm phát triển, nhất là lĩnh vực chế biến tinh và sâu các nông sản chủ lực đặc hữu của địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra. Công tác lập quy hoạch của huyện và các xã, thị trấn còn chậm; một số dự án đầu tư, chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm còn chưa triển khai hoặc chậm triển khai do các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm trễ về thủ tục, quy trình, năng lực đơn vị tư vấn hạn chế và tình hình trượt giá, khan hiếm vật liệu dẫn đến tiến độ thi công, giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trao Bằng khen của Tỉnh ủy cho các cá nhân, tập thể xuất sắc |
Kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả...
Nửa nhiệm kỳ còn lại, Đơn Dương đặt ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 theo giá trị sản xuất: Nông, lâm, thủy sản 61,8%; công nghiệp, xây dựng 17,3%; dịch vụ 20,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 90,6 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách Nhà nước bình quân năm tăng 13,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 79,3%; phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,9%, trong đó, hộ đồng bào dân tộc còn 1,51% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Đến năm 2025, giữ vững kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp; trên 94,4% trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, có từ 7,5 - 8 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% trở lên; có 97% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 99% thôn, tổ dân đạt chuẩn văn hóa; duy trì 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 100% thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa...
Dịp này, ban tổ chức đã trao Huân chương Lao động cho 2 cá nhân. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của UBND huyện, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin