KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV:
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi)

NGUYỆT THU (lược ghi) 20:10, 23/05/2023

(LĐ online) - Ngày 23/5, tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

ĐBQH TRịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý dự án Luật Giá ( sửa đổi)
ĐBQH TRịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý dự án Luật Giá ( sửa đổi)

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Tham gia góp ý cho dự án Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.  Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng các cơ quan đã tiếp thu chỉnh lý công phu, có căn cứ, có cơ sở, và tính thuyết phục cao.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị tiếp tục rà soát quy định trong giải thích từ ngữ như về hiệp thương giá, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ… để bảo đảm tính thống nhất; lưu ý rà soát quy định về hành vi bị nghiêm cấm. Về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá tại Điều 41 dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo giữ lại nguyên tắc đã được quy định tại Luật Giá hiện hành. Đó là nguyên tắc bảo mật thông tin. Theo đại biểu đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thẩm định giá. Ngoài ra, liên quan đến việc dự thảo Luật quy định tuân thủ pháp luật, chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, đại biểu cho rằng, quy định chuẩn mực thẩm định giá liệu có phù hợp với các quy định hiện tại hay không? Đại biểu cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành 13 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sử dụng cặp cụm từ “tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” sẽ hợp lý hơn so với từ “chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
Về Hội đồng thẩm định giá quy định tại Điều 60, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng dự thảo Luật quy định Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá có một trong các chứng nhận chuyên môn… là chưa đảm bảo điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định giá theo quy định. Trong khi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá lại rất nặng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá, chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình. Vì vậy, các thành viên của Hội đồng thẩm định giá phải có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về giá, nhất là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định như trên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định giá nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị điều chỉnh Điều 67 dự thảo Luật về mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành hoạt động pháp luật về giá, thẩm định giá để thống nhất và phù hợp với tên gọi theo quy định của Điều 3 Luật Thanh tra 2022.
Về nguyên tắc định giá của Nhà nước cần phải bảo đảm cho doanh nghiệp bù đắp đủ chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ là cần thiết, tuy nhiên nguyên tắc này cũng cần phải bảo đảm tính hợp pháp của chi phí sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh  đề nghị bổ sung sửa đổi điểm a) khoản 1 Điều 22 như sau:
“a) Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ, hợp pháp; tích lũy theo quy định của pháp luật hoặc lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường,...”
Liên quan đến vấn đề niêm yết giá, đại biểu Đoàn Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh cho  rằng: quy định “giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp” là chưa đầy đủ và chưa rõ ràng, chúng tôi đề nghị dự thảo Luật cần quy định giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ thành đơn vị tính phù hợp với thông lệ giao thương quốc tế, ngoài ra các thông tin cơ bản về đặc điểm kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng phải là những thông tin gắn với điều kiện để thực hiện niêm yết giá, chứ không thể nếu có như dự thảo Luật.
Tại Điều 44. Thẻ thẩm định viên về giá, Tại điểm b) khoản 2 Điều 44, dự thảo Luật quy định:
“2. Người tham dự kỳ thi thẩm định viên về giá phải có đủ các điều kiện sau :Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;”. Tôi nhận thấy, tại điểm b) khoản 2 Điều 44, dự thảo Luật quy định các điều kiện của người tham dự kỳ thi thẩm định viên về giá là phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên mà không nêu rõ là bằng đại học chuyên ngành gì thì chưa thật sự chặt chẽ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.