Tỉnh ủy ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

DIỄM THƯƠNG 14:57, 11/05/2023

(LĐ online) - Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và bố trí công tác đối với lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.

Quy định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh. 

Quy định quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sau khi bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Tỉnh ủy cũng nêu lên quan điểm, nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Việc xem xét, quyết định miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sau khi bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút phải thực hiện đúng chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác cán bộ. 

Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm; việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, quy định của Đảng; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Khi chưa có quyết định miễn nhiệm, từ chức thì cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức phải phù hợp với trình độ, năng lực, đạo đức, kinh nghiệm và theo yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Quy định cũng nêu lên cụ thể quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác với cán bộ sau khi bị kỷ luật.