(LĐ online) - Đã hơn 2 tháng kể từ ngày xảy ra vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, làm 4 cán bộ chiến sĩ công an, 2 lãnh đạo xã hy sinh, 3 người dân vô tội thiệt mạng và 2 cán bộ Công an xã trọng thương cùng nhiều tài sản bị đốt phá (ngày 11/6/2023), nay nhịp sống ở Tây Nguyên đã bình thường trở lại. Nhưng không khí của những ngôi nhà thiếu vắng người cha, người chồng, người con… vẫn không khỏi quạnh quẽ, để lại nỗi đau thương, ám ảnh khôn nguôi trong lòng người ở lại.
Thế nhưng, ngay sau khi xảy ra vụ việc ngày 11/6, các tổ chức phản động và phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước đã lợi dụng truyền thông, không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Nhiều clip, bài viết, bình luận thể hiện thái độ hả hê của các đối tượng phản động trước sự hy sinh và mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ; cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ việc sang nguyên do khác nhằm kích động thù hận, kỳ thị dân tộc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Chưa dừng lại, trong những ngày tháng 8, Đài Á Châu Tự Do (RFA), Người Thượng Vì Công Lý… lại tiếp tục dựng clip, viết bài rêu rao, cố tình xuyên tạc về vụ việc ngày 11/6.
Cụ thể, ngày 11/8, RFA và Người Thượng Vì Công Lý đã đăng tải bài viết “Việt Nam phủ nhận đàn áp người Thượng vì tôn giáo, HRW nói chính phủ “ngoan cố” (HRW là viết tắt của Tổ chức theo dõi nhân quyền) với lời lẽ vu khống, bịa đặt rằng: Việt Nam đã có ý định xóa Người Thượng (Đêga) khỏi đất nước Việt Nam; phía Việt Nam cho rằng ở quốc gia này không có khái niệm người bản địa, cũng không có khái niệm người Thượng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam… Ngày 22/8, RFA dựng clip về cuộc biểu tình trước Tòa Quốc hội Mỹ tại Wasington C.D trong sáng 20/7/2023 của hơn 200 người trong cộng đồng người Đêga đang sinh sống tại Hoa Kỳ để lên án chính quyền Việt Nam ngày càng đàn áp mạnh tay với cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên với các khẩu hiệu như: “Cộng sản Việt Nam hãy trả lại đất đai cho Đêga”, “Hãy chấm dứt đàn áp người Đêga”. Chúng cho rằng hàng trăm người Thượng đã bị cầm tù một cách bất công; rằng: Chính phủ Việt nam đã giết người dân Đêga một cách tàn bạo và vô tổ chức trong vụ 11/6 và truyền thông Việt Nam dàn dựng một chiều để ghép tội cho những người từ Mỹ lãnh đạo gây bạo loạn tại Đắk Lắk… Tại đây, chúng đã phỏng vấn ông Y Hin Nie, Hội thánh Tin lành đấng Christ tại Hoa Kỳ, ông này cho rằng: Mục đích của cuộc biểu tình là để kêu gọi Hà Nội chấm dứt ngay việc hành hạ, việc lấy đất của người Thượng ở Tây Nguyên,…
Rõ ràng, vụ việc ngày 11/6 xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của Nhân dân… Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng tham gia vụ khủng bố ngày 11/6 đều đã bị bắt giữ. Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 91 bị can về các tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân, “không tố giác tội phạm”, “che giấu tội phạm” và “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý triệt để các đối tượng liên quan.
Sự thật đã rõ, nhưng các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật với những lời lẽ lộng ngôn, vô căn cứ như trên hòng chia rẽ khối đại đoàn kết trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hành động này cần phải đấu tranh và lên án mạnh mẽ.
Như chúng ta đã biết, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói riêng. Cách đây 77 năm, trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Ngày 30/11/1968, trong Điện gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên, Bác khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”... Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Cùng với các chính sách chung, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế đặc thù đối với vùng Tây Nguyên; hàng nghìn tỷ đồng đã được nhà nước đầu tư vào vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025 đã và đang đạt nhiều kết quả tích cực; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, nước sạch và xóa đói giảm nghèo. Đến nay, phần lớn các buôn làng đã định canh, định cư ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã có bước phát triển vượt bậc.
Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mang trong mình những truyền thống quý báu, đó là truyền thống cần cù, lao động sáng tạo và đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Tây Nguyên ngày nay là quê hương chung của 54 dân tộc anh em, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cũng đã cho thấy sự ổn định, ấm no của đồng bào DTTS là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của vùng Tây Nguyên, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và đây cũng chính là cơ sở vững chắc để đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thì địch.
Vậy nên, dù các thế lực thù địch liên tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kỳ thị sắc tộc để gây ra cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng 2/2001, tháng 4/2004 và gần đây là cuộc tấn công trụ sở công an xã trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023), hòng làm cho Tây Nguyên bất ổn, để từ đó xuyên tạc sự thật tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng đất Tây Nguyên; nhất là bôi đen vấn đề thực thi nhân quyền và tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam… thì cũng không thể phủ nhận được thành quả của cách mạng Việt Nam, cũng như khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đoàn kết Kinh - Thượng và không thể phủ nhận được một thực tế rằng: Chính tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của 54 dân tộc anh em đang sinh sống ở Tây Nguyên là mạch nguồn phát triển của vùng đất giàu tiềm năng này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin