(LĐ online) - Ngày Quốc khánh 2/9 luôn gợi lên trong ký ức mỗi người dân Việt Nam về thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1945. Và 24 năm sau, cũng vào ngày này “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” để tiễn đưa Người về nơi cõi vĩnh hằng.
Trong suốt chặng đường 30 năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ôm ấp một mục đích, một khát vọng là “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi cần, tất cả những gì tôi muốn”. Mục đích ấy, khát vọng ấy của Người đến ngày 2/9/1945 đã trở thành hiện thực.
Ngày 2/9/1945, Thủ đô Hà Nội rợp bóng cờ, hoa và khẩu hiệu hân hoan, náo nức, hồi hộp chào đón sự kiện thiêng liêng, trọng đại của dân tộc. Đúng 14 giờ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh trong bộ kaki giản dị bước lên lễ đài trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên Quảng trường Ba Đình, cả một biển người im lặng lắng nghe từng câu, từng lời bản Tuyên ngôn Độc lập qua lời đọc của Bác Hồ. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời nói của Bác trịnh trọng, khúc chiết, rõ ràng, nhưng lại điềm đạm, đầm ấm; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người. Đặc biệt khi Bác bỗng dừng lại, hỏi một câu: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”. Tất cả đồng thanh đáp: “Có...” như tiếng sấm rền vang. Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa vào làm một, gắn bó đến mức thân tình, một điều thật hiếm có đối với các vị lãnh tụ trên thế giới. Kể từ thời khắc thiêng liêng ấy đến nay đã 78 năm nhưng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, cũng như niềm tự hào, cảm xúc về ngày Độc lập vẫn luôn nguyên vẹn trong ký ức, tâm trí của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Trong bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập, Hồ Chủ tịch nhắc đến hai giá trị quan trọng, đó là lòng nhân đạo và sự gan góc chiến đấu cho lẽ phải - những phẩm giá để dân tộc Việt Nam có một chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Chính vì giá trị thiêng liêng, to lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập và ngày Quốc khánh của đất nước, nên cứ mỗi dịp đến ngày 2/9, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm kiêu hãnh, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bởi ngày 2/9 là một dấu mốc trọng đại, thiêng liêng trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Ngày 5/6/1911, Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, sau 30 năm bôn ba khắp 5 châu, bốn biển, Người đã tìm được con đường cứu nước, cứu dân. Mùa xuân năm 1941, Người về nước cùng Đảng ta trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh, tổng khởi nghĩa giành lại độc lập, tự do cho đất nước - Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và 24 năm sau, đúng 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, Người đã từ biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Điều đặc biệt là trong suốt 24 năm kể từ ngày 2/9/1945, trên cương vị Chủ tịch nước, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9 hằng năm, Bác Hồ rất quan tâm chăm lo ngày lễ Độc lập của dân tộc bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình. Việc đầu tiên là Bác chăm lo, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tiếp đến, Bác ký các Sắc lệnh tặng thưởng cho những đơn vị, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước; mở tiệc chiêu đãi mừng ngày lễ Độc lập đối với các các đối tượng: gia đình có công với cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, đại biểu các địa phương, các dân tộc, các anh hùng và chiến sĩ thi đua về Thủ đô dự lễ kỷ niệm Quốc khánh, cùng các vị đại sứ, các trưởng đoàn ngoại giao đang có mặt tại Hà Nội; ký lệnh tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa trong thời gian ở trại và Bác tham gia Đoàn Chủ tịch lễ mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh.
Có rất nhiều chi tiết cảm động về sự chăm lo ngày lễ Độc lập của Bác, đơn cử như: Trong một bản thảo chuẩn bị cho lễ Quốc khánh, Người viết: “Trong lúc chúc mừng Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm...”. Người tin tưởng và hứa với đồng bào rằng: “...Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh năm 1969, dù đang ốm nặng nhưng Bác vẫn gắng gượng chăm lo tới ngày lễ trọng đại của dân tộc: Gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 đã bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ; cứ qua một cơn cấp cứu, khi tỉnh dậy, Bác lại hỏi hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu? Đời sống đồng bào, đồng chí miền Nam như thế nào? Việc phòng chống máy bay bắn phá ở các địa phương, các tỉnh miền Bắc như thế nào? Hỏi về sơ tán ra làm sao?... Vì mệt không đến dự được lễ mừng Quốc khánh tối ngày 31/8, nhưng khi nghe việc tổ chức lễ kỷ niệm này, Bác cảm thấy khỏe hơn và nhìn Bác tỉnh táo hơn. Ngày 1/9, sức khỏe của Bác giảm sút nghiêm trọng, tuy vậy, Người vẫn gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang Mai Dịch; gửi tặng lẵng hoa cho Đội cảnh sát khu vực 4 khu phố Ba Đình, cho Đội bảo đảm giao thông đường bộ 1. Chiều tối ngày 1/9, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm, Người nói: “Các chú cố gắng bố trí cho Bác ra gặp đồng bào dăm phút trong buổi lễ mừng Quốc khánh”. Thủ tướng báo cáo với Bác là lễ kỷ niệm đã tổ chức vào tối ngày 31/8. Nghe xong, Người lặng đi hồi lâu, chắc do Người linh cảm thấy không còn cơ hội để gặp đồng bào một lần nữa. Ngày Quốc khánh 2/9, bệnh của Bác diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng, khi tỉnh lại, Bác nhìn khắp mọi người và nắm tay từng đồng chí trong Bộ Chính trị và các đồng chí đại diện cho Đảng bộ, nhân dân miền Nam; và đúng 9 giờ 47 phút, trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập.
Không ai có thể quên được những ngày tháng 9 năm ấy, ngày Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng, một sự mất mát, đau thương to lớn không gì sánh nổi... Từ đây, ngày Quốc khánh 2/9 của dân tộc Việt Nam không còn Bác đến dự, động viên và huấn thị, không còn được nghe lời ấm áp yêu thương của Bác. Và từ sự trùng hợp lịch sử đó, từ năm 1970 đến nay, cứ đến ngày 2/9, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta lại vừa tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh (ngày Tết Độc lập) và ngày giỗ Bác Hồ, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
54 năm đã trôi qua, nhưng cứ đến những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, khi trên khắp mọi miền đất nước rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, trong mỗi chúng ta lại trào dâng cảm xúc, niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, người đã cứu nhân dân khỏi kiếp nô lệ, mang lại độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Nhớ Bác, càng yêu kính và biết ơn công lao trời biển của Bác, chúng ta càng vững lòng tin đi theo Đảng, theo con đường mà Bác Hồ đã chọn; nguyện phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như đương thời Bác Hồ hằng mong ước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin