Giá trị thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

KHUẤT MINH PHƯƠNG 00:31, 02/09/2023

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Với thông điệp mạnh mẽ về quyền dân tộc, quyền con người, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới thể hiện giá trị thời đại đã tuyên bố trước thế giới khát vọng hòa bình, quyền tự do và độc lập của dân tộc và quyết tâm bảo vệ quyền tự do và độc lập ấy.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

78 năm qua, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam yêu nước lại bừng lên những tình cảm thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Ngày 2/9 luôn là dịp để Nhân dân Việt Nam một lòng hướng về đất nước, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc và bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đây cũng là dịp để ôn lại và tự hào truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thời gian đã và đang lùi xa, nhiều chi tiết nội dung trong “Tuyên ngôn” đã được nghiên cứu làm chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng lớn, tầm nhìn chiến lược trong “Tuyên ngôn Độc lập” do Hồ Chí Minh thể hiện.

 

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây là một đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776. Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn dòng mở đầu bằng đoạn đó và một đoạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền với Dân quyền của Pháp năm 1789 viết trang mở đầu Tuyên ngôn mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam? Thật dễ lý giải, quyền được sống, tự do, bình đẳng là những quyền tự nhiên, quyền được tạo hóa ban cho (quyền trời cho) không ai có thể xâm phạm được. Ngay từ năm 1924 trong một bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”.

Quyền tự do và bình đẳng bắt đầu nảy nở với những hình thức sơ khai khi xã hội có giai cấp, xuất hiện người áp bức và bị áp bức. Từ đó loài người liên tục đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Đây chính là điểm xuất phát trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết trong bản Tuyên ngôn Độc lập đề cập đến những nguyên lý vĩnh cửu, hiển nhiên của nhân loại từ khi có bóc lột và bị bóc lột cho đến ngày nay.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ khai sinh nước Việt Nam mới mà còn là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và định hướng con đường cách mạng Việt Nam đang thực hiện sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn thế nữa, “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945 còn đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên của Việt Nam, là cột mốc lịch sử đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn mất nước và sống kiếp nô lệ của dân tộc ta.

Với cách lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén và giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam trên đường phát triển.

Quá trình xây dựng và phát triển đất nước với biết bao thành tựu, kỳ tích vẻ vang và cả những sai lầm va vấp, chúng ta đã đúc rút được những điều cần tiếp tục suy ngẫm và đổi mới. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng được soi đường bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã tổ chức, động viên Nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã tỏa sáng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như một giá trị văn hóa về lẽ sinh tồn của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, song không chịu cúi đầu trước cường quyền. Mỗi lần đón “Tết Độc lập”, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với tinh thần đó, từ Hiến pháp năm 1946 tới Hiến pháp năm 2013 đã mở đường cho Quốc hội xây dựng và điều chỉnh hàng loạt bộ luật thiết yếu của đất nước, chính là hành trình tất yếu, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước Nhân dân.

78 năm trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức tiếp tục giành thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và giọng nói ấm áp của Bác Hồ trong đoạn kết của Tuyên ngôn Độc lập vẫn vang vọng đâu đây: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.