Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

NGUYỆT THU 17:09, 27/11/2023

(LĐ online) - Ngày 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ toạ điều hành kỳ họp thứ 6

Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, từ thực tiễn triển khai cơ chế chính sách đặc thù tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng… đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao trong năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá đó là quản lý tài sản công. Đại biểu cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25 - 30%; cần đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND thành phố và HĐND quận, thị xã khi vẫn tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi nơi này không tổ chức HĐND; đồng thời, cần xem xét, quy định tăng tỷ lệ biên chế công chức của phường cũng như cán bộ không chuyên trách ở cơ sở để triển khai nhiệm vụ ở cơ sở được nhanh chóng, thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt ở các phường có quy mô dân số lớn. Mặt khác, khi không tổ chức HĐND phường thì MTTQ phường sẽ phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tiếp nhận thông tin của nhân dân; như vậy, cần xem xét vai trò của MTTQ phường theo Luật MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Về quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật đã quy định khá cụ thể về nhiệm vụ của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo luật sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm để trao đổi thêm ý kiến tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật và tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7…