Phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng

LINH TUẤN 14:40, 28/11/2023

(LĐ online) - Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hiện nay của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt kết quả bước đầu, được Nhân dân trong nước đồng tình ủng hộ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã ra sức chống phá, đặc biệt là thông qua những vụ án mà đối tượng là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí cao trong bộ máy Nhà nước để xuyên tạc, tung ra các luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước.

Lướt trên mạng xã hội sẽ thấy nhiều thông tin xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch nhân danh chống tham nhũng đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc rất xảo trá rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”, “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị độc đảng cầm quyền”, “vì xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng”, luận chứng “Đảng đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng đều không thành công, càng chống lại càng gia tăng”, từ đó chúng đưa ra nhận định chủ quan, võ đoán: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng thành công”, thậm chí “khuyên nhủ” Đảng ta “chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực”. Gần đây, chúng triệt để khai thác thông tin điều tra, xét xử vụ án cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và xét xử vụ Chủ tịch VEC và đồng phạm để công kích ngành Tư pháp, bôi nhọ cán bộ, đảng viên và đánh đồng tham nhũng là “bản chất” của chế độ.

Có thể thấy, những luận điệu xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn nêu trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là nhằm lan truyền, gieo rắc sự hoang mang, gây mất niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm phai nhạt mục tiêu, đánh mất bản chất Đảng, hạ uy tín để đi đến phủ định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, từ đó tác động xấu đến cán bộ, đảng viên dễ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, khiến đất nước rơi vào khủng hoảng, mưu đồ “diễn biến hòa bình” của chúng thành công.

Tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội, là tệ nạn nhức nhối của tất cả các quốc gia, thể chế chính trị, trong đó có Việt Nam. Về nguồn gốc và bản chất, tham nhũng chính là sự lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực để mưu đồ lợi ích cá nhân của một người hoặc một nhóm người, làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tổ chức và xã hội. Việc quy kết tham nhũng chỉ có và kịch phát dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, tư biện và sai lầm, bởi tham nhũng luôn tồn tại ở mọi chế độ xã hội có nhà nước, luôn gắn với nhà nước và quyền lực.

Ở bất cứ chế độ xã hội nào, tham nhũng cũng đều gắn với tình trạng quyền lực bị thao túng và bị tha hóa. Quyền lực của Nhà nước ta là do Nhân dân ủy thác, được phân công, phân nhiệm, ủy quyền cho các tập thể và cá nhân đảm trách. Chỉ có những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; quan điểm, bản lĩnh, lập trường tư tưởng không kiên định, vững vàng; tính chiến đấu bị giảm sút, ý chí tổ chức kỷ luật kém; bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất tầm thường, sa vào chủ nghĩa cá nhân; thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của tổ chức, của Nhân dân, mới sa vào căn bệnh tham nhũng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng Nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cần khẳng định rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh kiên quyết với tệ tham nhũng bằng việc đề ra chủ trương, phương thức rất đúng và trúng để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác này được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, “được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”.

Đó là điều không thể phủ nhận. Đồng chí Tổng Bí thư từng khẳng định “Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh””. Hơn nữa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ- một đảng sinh ra không phải để làm quan phát tài, một chế độ luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đó cũng là cách khẳng định rõ mục tiêu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì sự ổn định, phát triển của đất nước, vì tương lai của dân tộc, là nhằm chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.