Nói “giấc mơ” có lẽ cũng không quá, bởi những tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm là niềm khát khao, mong chờ và kỳ vọng lớn lao của chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Giao thông được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn nhất đối với nền kinh tế. Đầu tư cho giao thông chính là mở đường cho phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, đến nay, cả nước có khoảng hơn 2.000 km đường bộ cao tốc và khoảng 1.700 km đang thi công. Trong những con số ấn tượng ấy, Lâm Đồng lại quá khiêm tốn với chỉ vẻn vẹn 19,2 km cao tốc Liên Khương - Prenn. Đó cũng chính là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt triển khai những phần việc để có thể sớm khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Nhưng khó khăn, vướng mắc cũng không ít; trong đó có những vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền tháo gỡ của tỉnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào ngày 25/8 vừa qua, từ những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi, chỉ đạo và dành thời gian làm việc trực tiếp với các bộ, ngành cùng địa phương để tháo gỡ. Ngày 4/9, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc này, một số vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được tháo gỡ, hoặc gợi mở hướng để tháo gỡ. Đáng chú ý là vướng mắc liên quan đến phần diện tích của 2 dự án cao tốc chồng lấn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông nên dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước; khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ…
Một trong 3 nội dung trọng tâm của Đợt thi đua cao điểm “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động thực hiện từ tháng 9/2024 đến hết năm 2025, đó là thi đua với quyết tâm cao, nỗ lực lớn nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Dự án đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, hưởng ứng Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó, giai đoạn 1 với 140 ngày đêm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất thủ tục đầu tư; giai đoạn 2 với 360 ngày đêm tiến hành thi công và thông tuyến, trên tinh thần “thần tốc vì cao tốc”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ; sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, những dự án cao tốc không còn là “giấc mơ” đối với Lâm Đồng mà sẽ sớm thành hiện thực. Từ đó tạo sức bật để Lâm Đồng bứt phá vươn lên cùng đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin