Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 được Đảng ta xác định là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã cụ thể hoá Kế hoạch 135 nhằm quán triệt, triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp theo đúng quy định Điều lệ Đảng, yêu cầu, nội dung Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27 của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm việc chuẩn bị các nội dung và tổ chức đại hội chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đảm bảo tiến độ và kết quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.
Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Chỉ thị 35 và Hướng dẫn 27 của Trung ương |
• KHÔNG BỎ "SÓT” NHỮNG NGƯỜI THẬT SỰ CÓ ĐỨC, CÓ TÀI
Liên quan đến công tác xây dựng văn kiện đại hội, Trung ương yêu cầu phải nâng cao chất lượng văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp; dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và cả nước.
Đối với công tác nhân sự - một nội dung hết sức quan trọng và được chỉ đạo thực hiện có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, chú trọng phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá. So với nhiệm kỳ trước, yêu cầu đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất.
Điểm mới hoàn toàn về công tác nhân sự được quán triệt đó là cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa”... Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới, thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên.
Về Hướng dẫn 27 so với hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương năm 2019 có 8 điểm mới cơ bản, với hướng dẫn cụ thể, rõ ràng; các cấp ủy, địa phương cần quan tâm, thực hiện nghiêm.
• 100% BÍ THƯ CẤP ỦY CẤP HUYỆN KHÔNG LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG
Tại Lâm Đồng, ngay sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương, ngày 9/9/2024, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã sớm ban hành Kế hoạch số 135 để tổ chức thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: Yêu cầu tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, nắm vững các yêu cầu, nội dung được nêu trong Chỉ thị số 35, Hướng dẫn số 27 và Kế hoạch 135 của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện; Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy trong quá trình triển khai thực hiện; Quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025 ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị; Tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém kéo dài, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm.
Về Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu: Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác; phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm... Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Về công tác chuẩn bị nhân sự, Tỉnh ủy định hướng chỉ đạo về Tiêu chuẩn cấp ủy viên: Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cấp trên trong việc xem xét, rà soát lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy, tổ chức Đảng do mình phụ trách.
Về thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp), trong đó cấp cơ sở tháng 4/2025; cấp huyện và tương đương tháng 6/2025; cấp tỉnh tháng 9/2025. Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tháng 5/2026. Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.
Về độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Cán bộ tái cử cấp ủy, thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác. Đây cũng là điểm mới, kế hoạch cũ quy định bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (Đối với cấp tỉnh, cấp huyện từ 42 đến 52 tuổi khoảng 40 - 50%, còn lại trên 52 tuổi; đối với cấp xã từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40 - 50%, còn lại trên 50 tuổi) tính cho cả nhiệm kỳ (so với kế hoạch cũ là tăng 2 tuổi cho mỗi nhóm cơ cấu, nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ như nhiệm kỳ trước).
Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp ủy viên trong mỗi nhiệm kỳ. Thực hiện cơ cấu ba độ tuổi trong cấp ủy các cấp và phấn đấu thực hiện trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy (điểm mới so với kế hoạch cũ: phấn đấu thực hiện cơ cấu ba độ tuổi cả trong ban thường vụ, kế hoạch cũ chỉ thực hiện trong thường trực).
Về thời gian tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, dự kiến đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở không quá 1 ngày, bắt đầu từ tháng 1/2025 và hoàn thành trong tháng 2/2025. Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày bắt đầu từ tháng 4/2025, hoàn thành trong tháng 6/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày bắt đầu từ tháng 6/2025, hoàn thành trong tháng 8/2025. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh không quá 4 ngày, hoàn thành trong tháng 10/2025.
Kế hoạch 135 của Tỉnh uỷ cũng lưu ý khi xây dựng Đề án nhân sự cần xây dựng báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Việc xây dựng Đề án nhân sự phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, Đảng bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; khắc phục tình trạng quá trình chuẩn bị nhân sự đúng quy trình nhưng lựa chọn không đúng người. Đây cũng điểm mới so với kế hoạch cũ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị các thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 và Hướng dẫn số 27 và Kế hoạch 135 của Tỉnh ủy đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, hướng đến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 và chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin