Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân

11:10, 10/10/2010

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2010), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về những thành tựu đạt được của công tác dân vận thời gian qua.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2010), phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về những thành tựu đạt được của công tác dân vận thời gian qua.

* PV: Xin đồng chí cho biết những thành tựu cơ bản của công tác dân vận thời gian qua?

Đồng chí Hà Phước Toản: Có thể nói, 5 năm qua, công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, trách nhiệm, nội dung và phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
 
Tỉnh uỷ cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp công tác vận động quần chúng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Chính quyền đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác dân vận theo tinh thần Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức.
 
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tập trung thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, từng bước khắc phục được tính hình thức, hành chính hoá trong tổ chức và hoạt động; chú trọng thực hiện đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với chăm lo giải quyết những nhu cầu, lợi ích thiết thân của quần chúng.

* PV: Lâm Đồng là địa phương được Trung ương đánh giá rất cao về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Vậy những chuyển biến tích cực từ phong trào này là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Phước Toản: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai khá sâu rộng trong toàn tỉnh, được các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Với nội dung trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực,
 
chủ động của nhân dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.Các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đã tập trung hướng về cơ sở, bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc trong sản xuất, sinh hoạt, đời sống của nhân dân.
 
Thông qua đó, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các thành phần kinh tế. Cũng từ đây, đã xuất hiện nhiều điển hình “Dân vận khéo” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…Đối với phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn, làm nhà sinh hoạt cộng đồng mà không đòi hỏi bất kỳ sự bồi thường nào.
 
Hay như mô hình “mạng lưới khuyến nông thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở” mà nòng cốt là Hội Nông dân ở huyện Lâm Hà; mô hình tổ nông dân trồng hoa trong nhà kính của Chi hội nông dân thôn Hợp Thành, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương; Các mô hình sản xuất xóa đói giảm nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ như tổ mây tre đan của Chi hội phụ nữ khu phố 6A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh; Tổ phụ nữ nuôi gà thả vườn ở xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai; nuôi thỏ ở xã Gung Ré, huyện Di Linh; nuôi nhím, ba ba ở xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên; nuôi bò ở xã Tà Hine, câu lạc bộ nữ chuyển giao công nghệ sản xuất hoa, rau sạch ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng; mô hình ngày hội tiết kiệm vì phụ nữ nghèo ở Đà Lạt; mô hình liên kết giữa hội viên cựu chiến binh người Kinh với hội viên dân tộc thiểu số của Hội Cựu chiến binh xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương; Mô hình hũ gạo tình thương, mái ấm tình thương, vòng tay nhân ái, 10 người giúp một người, hộp tiền nhân đạo, hiến máu tình nguyện…của Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng, Di Linh, Đà Lạt …đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi đáng kể diện mạo toàn xã hội.

Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên lĩnh vực công tác dân vận, hệ thống dân vận cấp ủy các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xem đây là một nội dung trọng tâm, nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong tình hình mới.

* PV: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận trong giai đoạn tiếp theo là gì?

Đồng chí Hà Phước Toản: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, nhất là những chủ trương, quan điểm của Đảng trong các Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; thực hiện tốt phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
 
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng, hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng nhân dân; kịp thời phản ánh, đề xuất chủ trương, giải pháp giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân; coi trọng đối thoại trực tiếp với nhân dân trong giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Tổ chức sâu rộng và có chất lượng, hiệu quả các phong trào quần chúng; phát huy sức mạnh, tiềm năng, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, ý thức về tinh thần dân chủ, tự quản của nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh tại cộng đồng dân cư trên cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước.
 
Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền, trọng tâm là xây dựng và thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, chính sách xã hội, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.Gắn chặt công tác vận động quần chúng với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
Nguyệt Thu (thực hiện)