Hội thảo về cơ chế bảo hiến tại Việt Nam

02:03, 29/03/2012

Trong 2 ngày 29&30/3, tại Đà Lạt, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Cơ chế bảo hiến ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình “Phát triển Liên hợp quốc”.

(LĐ online) - Trong 2 ngày 29&30/3, tại Đà Lạt, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Cơ chế bảo hiến ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình “Phát triển Liên hợp quốc”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Hoàng Văn Tú – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Vũ Công Tiến – Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng và hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Dương...
 

Tòan cảnh hội thảo. Ảnh Văn Báu
Tòan cảnh hội thảo. Ảnh Văn Báu

Nằm trong Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu lập pháp và năng lực công nghệ thông tin cho viện nghiên cứu lập pháp”, hội thảo sẽ bàn bạc các mô hình hiến pháp điển hình trên thế giới và gợi mở mô hình cho Việt Nam đồng thời cũng phân tích kỹ lưỡng một số vấn đề khi đặt bảo hiến vào khung cảnh pháp lý ở nước ta nhằm mục tiêu đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của công dân.

Tại hội thảo các đại biểu cũng góp ý cho Hiến Pháp 1992 và chỉ ra một số điều còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn đất nước những năm qua. Từ đó đưa ra các kiến nghị, mô hình mới nhằm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện Hiến Pháp 1992 cho phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo đồng chí Hoàng Văn Tú – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh: với hơn 65 năm lịch sử lập hiến chứng tỏ Nhà Nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo vệ Hiến pháp. Đảng và Nhà nước đều khẳng định vị trí tối cao của Hiến pháp và đề ra yêu cầu bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp. Hoạt động hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan. Các nguyên tắc và quy định pháp luật về bảo vệ hiến pháp còn thiếu, chưa đồng bộ… Thực hiện nhiệm vụ nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, Viện nghiên cứu lập pháp mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tập trung trí tuệ nghiên cứu và trao đổi thông tin, kinh nghiệm từ đó đóng góp thêm vào việc xây dựng cở sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế bảo hiến ở nước ta.

Diễm Thương