Cán bộ cấp xã đang từng bước “trẻ hóa” và “chuẩn hóa”

03:04, 11/04/2012

Đó là một trong những đánh giá của UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến về “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên”…

Đó là một trong những đánh giá của UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến về “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” do UBND tỉnh tổ chức hôm 11/4 vừa qua.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, để có sự lãnh đạo và chỉ đạo tập trung, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 08/ NQ-TU ngày 12/10/2006 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn” và đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 61/2004/QĐ-UB. Kết quả là trong 7 năm qua (2006-2011), các địa phương, ban, ngành của tỉnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có kết quả cao việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, quy hoạch tạo nguồn và tăng cường cán bộ về cơ sở…

Tới nay toàn tỉnh đã có 147 đảng bộ và 1 chi bộ cơ sở tại 148 xã, phường, thị trấn; có 1.568 thôn, tổ dân phố (trong đó có 89 thôn, tổ dân phố sinh hoạt ghép) có chi bộ Đảng, 4 thôn chưa có đảng viên do mới chia tách. Hiện tại có 19.023 đảng viên (trong đó có 2.330 đảng viên là người DTTS, 1.345 đảng viên có tôn giáo) đang sinh hoạt tại đảng bộ, chi bộ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; có 3.892 đại biểu HĐND cấp xã, 2.766 cán bộ - công chức cấp xã, các đoàn thể chính trị xã hội đều đã được củng cố và có quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động với cấp ủy Đảng, HĐND và UBND.

Từ năm 2003 đến cuối năm 2010 đã có 21 lớp đào tạo (có 2 lớp đại học) CBCC cấp xã được tổ chức tại địa phương, đào tạo được 1.376 CBCC cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên, trên 11.795 lượt cán bộ thôn và tổ dân phố được bồi dưỡng chuyên môn, 2.789 CBCC tham gia các lớp đào tạo tiếng dân tộc.

Thực hiện Đề án 600, tỉnh cũng đã chọn được 5 trí thức trẻ để bổ sung vào chức danh Phó Chủ tịch UBND xã của 5 xã thuộc huyện Đam Rông…

Theo đánh giá của hội nghị, từ việc thực hiện Quyết định 253/QĐ-TTg, hệ thống chính trị cơ sở trên toàn địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động. Hoạt động của chính quyền cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực về nội dung, phương thức lãnh đạo, điều hành và quản lý gắn với tổ chức, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; HĐND cấp xã cũng có nhiều cố gắng thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; quyền làm chủ của nhân dân được chú trọng; đội ngũ cán bộ cấp xã đang từng bước được “trẻ hóa” và “chuẩn hóa”.

Những tồn tại cần phải được giải quyết để tiếp tục củng cố và kiện toàn chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh là nâng cao hơn nữa trình độ học vấn và chuyên môn cho CBCC, sắp xếp và bố trí cán bộ ngày càng hợp lý hơn, tăng cường hơn công tác tạo nguồn cán bộ cho các xã vùng sâu vùng xa; điều chỉnh lại quy mô diện tích và dân số ở một số xã; tăng cường hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã trong các công tác quy hoạch, xây dựng, đất đai và tài nguyên khoáng sản…

ĐỨC HƯNG