Góp ý cho 2 dự thảo Luật được nhiều người quan tâm

08:04, 11/04/2012

(LĐ online) - Chiều 11/4, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Dự án Luật Giám định tư pháp.

(LĐ online) - Chiều 11/4, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Dự án Luật Giám định tư pháp.

Dự án Luật Giám định tư pháp có tất cả 8 chương 47 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh đối với giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách đối với hoạt động tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Ngoài việc giải thích từ ngữ về giám định tư pháp, người trưng cầu giám định.., Bộ Luật còn quy định các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp; chính sách của nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp; các hành vi bị nghiêm cấm như cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật hay cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định… Luật cũng quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; miễn nhiệm giám định viên tư pháp…   
 

Các đại biểu góp ý cho dự thảo Dự án Luật giám định tư pháp
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Dự án Luật giám định tư pháp

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với bố cục, chương mục, điều khoản mà dự thảo đã xây dựng, đồng thời thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành đạo luật. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh cách tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh, sự phối kết hợp giữa giám định pháp y giữa ngành Y tế với ngành công an; vấn đề đương sự yêu cầu giám định pháp y gây phức tạp cho vụ án, kéo dài họat động điều tra…, đồng thời cần xem xét lại vai trò của giám định tư nhân, nếu đã “sinh” ra giám định tư nhân thì không nên hạn chế mà nên có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.    

Trước đó trong sáng cùng ngày, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và Hội Luật gia tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm có 6 phần với 146 điều, quy định phạm vi điều chỉnh đối với việc xử lý vi phạm hành chính, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.

Sau khi nghiên cứu toàn văn Dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể cho từng điều luật. Trong đó nổi bật như việc: đã xử phạt vi phạm bằng tiền thì phải có biên bản không nhất thiết phải trên 500.000 đồng trở lên; phải quy định về định tính, định lượng rõ ràng trong các điều luật; cần có nhà tạm giữ người vi phạm hành chính, cần thống nhất mức phạt, cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt hành chính của thẩm phán chủ tọa phiên tòa; quyền giải thích của người vi phạm.

Đặc biệt, trong một số điều của dự Luật còn có những từ ngữ chung chung không phù hợp, kỹ thuật lập quy chưa hợp lý…, cần phải bổ sung, chỉnh sữa để khi bộ Luật được ban hành sớm đi vào cuốc sống.

Đây là một trong những công việc của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 sắp tới, nhằm thống nhất nội dung của 2 đạo luật vốn được nhiều giới, nhiều ngành, nhiều người quan tâm, để Quốc hội xem xét và sớm thông qua./.

Thụy Trang