Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ

09:05, 28/05/2013

(LĐ online) - Chiều 27/5, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng về tình hình hoạt động 4 tháng đầu năm, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong thời gian sắp tới.

● Nhiều nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất hiệu quả

(LĐ online) - Chiều 27/5, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và đ/c Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng về tình hình hoạt động 4 tháng đầu năm, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong thời gian sắp tới.

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc


Ông Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Trong những năm vừa qua, nhiều kết quả nghiên cứu của đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN trong tỉnh đã được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất khá hiệu quả. Nhiều nghiên cứu nổi bật như: Mô hình cà chua theo hướng nông nghiệp cao tại Đơn Dương, Đức Trọng với năng suất đạt trên 200 tấn/ha, tăng 30-50% so với canh tác truyền thống; áp dụng KH&CN toàn diện từ chọn giống, thổ nhưỡng, quy trình canh tác, biện pháp cơ giới hoá cũng đã nâng diện tích chè lên gần 26.000 ha, năng suất đạt 100-120 tấn chè búp tươi (có nơi 280 tạ/ha), đạt trên 200.000 tấn chè búp tươi, chiếm 27% sản lượng chè của cả nước, đạt 280 triệu đồng/năm/ha. Cũng giống như chè, việc áp dụng tiến bộ KH&CN đã giúp cho cây cà phê có năng suất cao hơn, kháng bệnh tốt, đưa xuất khẩu cà phê chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Qua các đề tài dự án và chuyển giao công nghệ cho rau và hoa, hiện tại khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận đã sản xuất trên 1 triệu tấn rau, hoa đã đạt tỷ cành hoa cắt cành (chiếm 80% xuất khẩu hoa của cả nước), bình quân trồng hoa đạt 350 triệu/ha, các khu vực có nơi đạt từ 500 - 1 tỷ đồng/ha; công nghệ nuôi cấy mô thực vật trong ống nghiệm đã đạt tới quy mô nhân giống công nghiệp, hàng năm cung cấp hàng triệu cây con cho sản xuất ...

Trong những tháng đầu năm, Hội đồng KH&CN của tỉnh đã xét duyệt 19 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (7 nhiệm vụ chỉ định, 10 nhiệm vụ tuyển chọn và đề xuất ngừng thực hiện 2 nhiệm vụ chỉ định), 9 dự án hỗ trợ doanh nghiệp, 5 đề tài/dựa án cấp cơ sở, 1 dự án nhân rộng sau nghiệm thu và một số nhiệm vụ khác trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian sắp tới, Sở KH&CN cũng đã đăng ký một đề tài cấp nhà nước "Sử dụng kỹ thuật đồng vị N-15 đánh dấu phân nitơ trong nghiên cứu, đánh giá hiệu quả sử dụng đạm của cây trồng Đà Lạt" và thông qua Hội đồng KH&CN tại địa phương cho 2 dự án nông thôn miền núi liên tỉnh "Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và việc phát triển Sâm Ngọc Linh Đà Lạt tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Quảng Ninh”, "Xây dựng vùng sản xuất sầu riêng đặc sản Đạ Huoai"; 1 đề tài liên tỉnh đột xuất cấp nhà nước "Nghiên cứu chọn lọc bò lai F2 giữa bò tót và bò thịt Brahman làm giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng đề kháng bệnh của bò thịt tại vùng rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Bình Thuận”.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hoạt động KH&CN bởi những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đất nước trong quá trình CNH-HĐH; Sở cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai quy hoạch phát triển KHCN đến năm 2020 tạo cơ sở pháp lý cho KHCN phát triển.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học của tỉnh cần phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình trong lộ trình phát triển của Lâm Đồng trong thời gian sắp tới. Những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng cần rất nhiều đến sự hỗ trợ của KHCN. KHCN chính là chìa khoá để mở ra cánh cửa thành công, đồng thời giúp địa phương khẳng định được vị thế của mình trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Tuấn Linh