Không thể xóa bỏ điều 4

04:05, 23/05/2013

Hiến pháp 1992, Điều 4 được dự thảo sửa lại là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, người dân lao động và của cả dân tộc,...

Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản; luật gốc của mỗi nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về người dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước.
 

Trong quá trình tham gia góp ý và thảo luận vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bên cạnh nhiều ý kiến góp ý xây dựng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cũng đã có ý kiến của một số người có trình độ học vấn nhất định kêu gọi và vận động mọi người nêu kiến nghị xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, được ghi rõ trong Điều 4 – Hiến pháp. Họ cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng được thực hiện là từ Đảng có chủ trương đúng, ý Đảng hợp lòng dân, lại có cán bộ đảng viên đi trước nêu gương để nhân dân noi theo và vì thế không cần có Hiến pháp cho phép.

Mặt khác, họ còn lấy Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 không có điều khoản nào quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo người dân đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng 8 - 1945; trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Từ đó họ đề nghị trong dịp sửa đổi Hiến pháp lần này nên xem xét xóa bỏ Điều 4.

Vậy, để bàn về vấn đề này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu kỹ về Điều 4 trong Hiến pháp được quy định như thế nào?

Hiến pháp năm 1980, Điều 4 có ghi rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và Bộ Tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lê Nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Hiến pháp 1992, Điều 4 được dự thảo sửa lại là “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, người dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Như vậy là ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, toàn thể nhân dân ta thông qua Hiến pháp lúc bấy giờ đã thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đó là một sự thật khách quan không thể bàn cãi. Cũng có người hiểu một cách cố ý và cho rằng, Điều 4 của Hiến pháp, tựa như là một loại “giấy phép” cho Đảng hoạt động. Điều này là hoàn toàn sai trái. Bởi “giấy phép” cho Đảng chính là lòng tin yêu của dân. Chính nhờ vậy mà từ khi Đảng CSVN ra đời đến nay, đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Điều 4 của Hiến pháp rõ ràng là không phải “giấy phép” như một số người đã tung tin, mục đích của họ là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm chia rẽ giữa Đảng và quần chúng nhân dân.

Và trong thực tiễn, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc đều tiến hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, người dân làm chủ.

Cơ chế người dân làm chủ, hay nói cách khác, quyền làm chủ của người dân được thực hiện qua việc người dân bầu ra Quốc hội, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, để quản lý xã hội bằng luật pháp. Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả này, Quốc hội ban hành Hiến pháp. Đó là luật gốc, để từ đó các bộ luật khác sẽ ra đời.

Từ khi nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam luôn tìm đủ mọi cách để chống phá Đảng, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để trừng trị những kẻ cố tình xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, cố tình chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại Đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng. Mặt khác, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, không chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, mà còn quy định điều kiện mà tổ chức Đảng phải có để luôn giữ được vai trò lãnh đạo của mình. Đó là điều kiện Đảng phải gắn bó mật thiết và chặt chẽ với giai cấp công nhân, đồng thời là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Dù là Đảng lãnh đạo, nhưng Hiến pháp cũng đã quy định rất rõ là mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, về phía người dân phải có ý thức về các điều kiện được nêu ra ở Điều 4 của Hiến pháp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc giám sát công tác xây dựng Đảng.

Khẳng định vai trò Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam là đúng đắn và cần thiết, nhất là trong khi tình hình gần đây xuất hiện ý kiến của một số người muốn xây dựng chế độ chính trị đa đảng, họ hô hào phải xóa bỏ Điều 4, đồng thời ra sức tán đồng những quan điểm sai trái của nhóm 72 trí thức. Bác Hồ đã khẳng định: Đảng ta là một Đảng cầm quyền (1) đó hoàn toàn không phải là một sự xếp đặt chủ quan của một giai cấp, một lực lượng chính trị nào mà trước hết là vì Đảng Cộng sản Việt Nam, là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của phong trào cách mạng Việt Nam. Chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong thời kỳ đổi mới từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, nước ta đã phát triển được cả thế giới ghi nhận.

Gần đây, nấp dưới chiêu bài “góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, một số trang báo mạng đã tổ chức hô hào nhân dân trong cả nước và ở nước ngoài ký tên ủng hộ cái gọi là “Bản kiến nghị 72”, và để làm tăng trọng lượng cho bản kiến nghị này, đồng thời để lừa bịp dư luận, các trang mạng này đã kê khống lên số người tham gia ký tên. Vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã tiến hành xác minh sự việc này ở tỉnh Hà Tĩnh và sự thật đã được phơi bày: phần lớn những người ký tên trong bản kiến nghị đều không biết gì đến cái gọi là “Bản kiến nghị 72” cả.

Riêng ở tỉnh Lâm Đồng, thì trong danh sách mà các trang mạng tung lên có tới 60 người ký tên, nhưng trong thực tế những người thực sự có ký tên là không đáng kể. Có khá nhiều trường hợp người ký tên kê khai địa chỉ là ở thành phố Đà Lạt. Nhưng qua xác minh, nhiều người trong số này không có tên và nếu có thì không còn ở Đà Lạt nữa.

Ví dụ như ông Chu Mạnh Chi từ năm 2005 đã chuyển về Tp Hồ Chí Minh, nhưng người ta vẫn kê khống là ông vẫn ở Đà Lạt. Hoặc như 2 trường hợp Hoàng Thanh Trúc và Phan Hoàng Tĩnh Xuyên đều kê khai là nhà báo ở Đà Lạt, nhưng thực ra ở Lâm Đồng không hề có 2 nhà báo này. Riêng trường hợp của ông Phan Huy Th, hiện là cán bộ đã nghỉ hưu ở Bảo Lộc cũng bị mạo danh đưa lên mạng… nhưng trong thực tế, theo ông Th cho biết thì ông không hề ký tá gì cho ai cả. Để khẳng định lời nói của mình, ông Th đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc ai đã mạo tên của ông để thực hiện việc làm phi pháp như đã nêu trên. Ngoài ra, còn nhiều người khác có tên trong danh sách nhưng họ  cũng không hề biết.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lời phát biểu của ông YAĐUCK - dân tộc K’Ho, ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương nguyên là Phó Thủ tướng của tổ chức Fulro và hiện là đại biểu Quốc hội đương nhiệm của tỉnh Lâm Đồng “về pháp lý, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp1992. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

(1)- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PHAN TẤT- HOÀNG VĂN