Xã hội chủ nghĩa trong tên nước ta bao hàm cả Dân chủ

10:06, 12/06/2013

(LĐ online) - Là người Việt Nam, ai cũng biết ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đến ngày 2 - 7 - 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH)...

(LĐ online) - Là người Việt Nam, ai cũng biết ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đến ngày 2 - 7 - 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và đây chính là một trong những nội dung quan trọng được khẳng định trong Lời mở đầu của Hiến pháp năm 1980 theo định hướng của Đại hội lần thứ IV của Đảng là “…phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động… xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN… và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH” và nội dung này tiếp tục được nêu trong Lời mở đầu của Hiến pháp năm 1992.

Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Ðại hội lần thứ VI của Ðảng (1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và chính Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều đó càng chứng minh hùng hồn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện trong hơn 83 năm qua, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN và nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội…

Chúng ta đều biết rằng một trong những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin là Người đã đặt cơ sở lý luận về xây dựng chế độ mới ở các nước thuộc địa sau khi giành được độc lập và theo Người, mặc dù kinh tế còn chậm phát triển nhưng Việt Nam vẫn có điều kiện tận dụng khả năng mới do thời đại tạo ra, trên cơ sở tinh thần tự lực tự cường để xây dựng CNXH, bảo đảm cho độc lập thật sự cho dân tộc, tự do và hạnh phúc phồn vinh cho nhân dân, cho mỗi người. Chế độ mới XHCN đó là chế độ do nhân dân làm chủ và chính quyền nhà nước của chế độ mới là chính quyền thật sự của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn rộng lớn và sâu sắc của Hồ Chí Minh mà cốt lõi là gắn độc lập dân tộc với CNXH.

Hơn 25 năm qua, chính thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam mà đặc biệt là đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đã khẳng định rõ một trong sáu đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội “Do nhân dân lao động làm chủ” và  Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã giữ lại đặc trưng nói trên đồng thời mở rộng biên độ là “Do nhân dân làm chủ” chứ không chỉ giới hạn do nhân dân lao động làm chủ và bổ sung thêm đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đại hội X của Đảng đã đề ra nhưng có điểm mới là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng”, bởi vì cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh. Tất cả những điều đó nhằm để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh “Nước ta là một nước dân chủ, dân là chủ và làm chủ...”.

Còn một trong tám phương hướng cơ bản mà Cương lĩnh năm 2011 đề ra là “Xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất” lại càng khẳng định dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước cũng như xác định nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện… Ngoài ra, Cương lĩnh nói trên còn bổ sung nội dung và việc nắm vững và giải quyết tốt tám mối quan hệ lớn trong đó có quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Trong thời đại hiện nay, với đặc điểm nổi bật là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng sẽ có những bước tiến mới và Việt Nam với sự lãnh đạo đúng đắn của một Đảng bản lĩnh chính trị vững vàng, dày dặn kinh nghiệm lãnh đạo và kiên quyết khắc phục những yếu kém, hạn chế của mình; với  một dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt và với toàn thể nhân dân có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái, cần cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng thì nhất định là nước ta sẽ tiến lên CNXH theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người.

Như vậy thì có cần thiết phải đổi tên nước ta từ Cộng hòa XHCN Việt Nam quay trở về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như ngày mới thành lập hay không khi mà chính bản chất XHCN trong tên của nước ta hiện nay không những đã bao hàm cả bản chất dân chủ như trước đây mà còn phát triển dân chủ ngày càng mạnh mẽ hơn để trở thành dân chủ XHCN một cách toàn diện hơn và đi lên CNXH chính là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và đó cũng chính là khát vọng của nhân dân ta, dân tộc ta.

Bùi Thanh Long