Chỉ có xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức tốt thực tiễn cách mạng là con đường duy nhất đúng để phát triển và bảo vệ lý luận cách mạng mới tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên.
Thời gian gần đây, thế lực thù địch chống phá cách mạng, sùng bái “đa nguyên, đa đảng” thân phương Tây thường xuyên điên cuồng bài bác, tung hê lên mạng các bài viết đăng tải những luận điệu áp đặt, phi khoa học: “Học thuyết Mác là sản phẩm của thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học”. Hoặc đối với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, họ cho rằng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”.
|
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu |
Như một chân lý, trước hết phải khẳng định: Học thuyết Mác-Lênin và những nguyên lý, quy luật kinh tế - xã hội mà học thuyết phát hiện ra, ngày càng được chứng minh bằng thực tiễn cuộc sống, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của các đảng tiên phong, chân chính của giai cấp đó ở trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chỉ có xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức tốt thực tiễn cách mạng là con đường duy nhất đúng để phát triển và bảo vệ lý luận cách mạng mới tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên.
Thế nhưng, với thái độ phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa qua, trong bài viết trên mạng với tựa đề “Hiến kế diệt Chuột: Đập “bình” phải đập cái bình… phong” (Đối thoại, ngày 15/10/2014) có người đã tiếp lời hùa theo sự chống phá của “nhà báo tự phong” Phạm Chí Dũng, xàm ngôn, xách mé, suy diễn sai lệch: “Gót chân Achilles của những tập đoàn cướp ngày (HSP ám chỉ Đảng và Nhà nước Việt Nam) là bắt buộc phải có quyền tuyệt đối, có con dấu, dựa trên một danh nghĩa, một điểm tựa tiền định, như một tiên đề mặc nhiên không cần chứng minh, không cần và không được phép dựng phản đề. Đó chính là cái bàn thờ, là cái BÌNH PHONG Mác-Lê-Hồ, mà trong ba ngôi đó thì Mác và Lê đã lu mờ về vị trí thứ yếu. Cái gì mà đối phương cố sống cố chết giữ cho bằng được, như một thứ bất biến được sử dụng để ứng vạn biến thì đó chính là gót chân Achilles của họ. Rất dễ nhận ra gót chân Achilles ở đây là cái BÌNH PHONG đã được thần thánh hóa mà toàn dân phải quỳ lạy…”. Chưa hết, họ xúi giục, kích động: “không còn cách nào khác là phải làm đổ cho được cái BÌNH PHONG”, “hãy cắt bỏ cái BÌNH PHONG ấy đi!”.
Phải khẳng định đây là một bài viết hết sức phản động, bộc lộ dã tâm chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang trên con đường đổi mới tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hội nhập quốc tế. Người viết cố tình “nhắm mắt làm ngơ” không nhận thấy sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại. Họ chẳng chịu nhìn ra một lẽ phải tất yếu: Kể từ khi ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX đến nay, chủ nghĩa Mác đã trải qua trên 165 năm tồn tại và phát triển. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học về quy luật phát triển xã hội; về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự thống nhất hữu cơ toàn vẹn của ba bộ phận cấu thành không thể tách rời: triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị học Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học… Với lý do đó, phương pháp luận triết học duy vật biện chứng mácxít mới xứng đáng giữ vai trò nền tảng, kim chỉ nam hành động của Đảng Cộng sản. Nhấn mạnh về sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và phương pháp, Lênin khẳng định: “Triết học Mác là một chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị, nó cung cấp cho loài người và nhất là giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại” (Lênin: Toàn tập, t.23,tr.54). Nhấn mạnh và trình bày ý nghĩa lớn lao của lý luận - phương pháp luận chỉ đạo đối với thực tiễn, Lênin nhiều lần nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Ngay trước Cách mạng Tháng Mười, Lênin sớm chỉ rõ: con đường mà nhân loại đi “từ chủ nghĩa đế quốc ngày nay chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày mai, nhân loại cũng sẽ trải qua những con đường có muôn màu muôn vẻ như thế. Tất cả các dân tộc đều đi đến chủ nghĩa xã hội”. Những quan điểm về phương pháp luận trên của Lênin tiếp tục được các nhà mácxít đương thời cũng như sau này kế thừa và phát triển.
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, mặc dù, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; mặc dù chủ nghĩa đế quốc cùng những lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ nhằm chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc… tiến tới phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn tồn tại, phát triển, vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho hàng triệu triệu người trên trái đất. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là Mác đứng đầu, Anhxtanh đứng thứ hai. Tháng 7/2005, với câu hỏi tương tự, đã có 27,9% thính giả trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của BBC đã chọn Mác là nhà tư tưởng ưa thích của họ, và vẫn là người đứng đầu. Trong cuộc bình chọn 100 nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Đức, Mác đứng thứ ba, sau K.Adenauer Thủ tướng Đức giai đoạn 1949-1963 và M.Liuthơ, người sáng lập đạo Tin lành. Ở phương Tây, hiện tại có rất nhiều trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Mác và có nhiều hội thảo về chủ nghĩa Mác. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung, các hội thảo đều cho rằng: thứ nhất, việc vận dụng chủ nghĩa Mác rất đa dạng vào nghiên cứu các lĩnh vực xã hội là có giá trị khoa học và thực tiễn; thứ hai, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác được mở rộng vào nghiên cứu nhiều vấn đề xã hội; thứ ba, sau khi Liên Xô sụp đổ, việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác càng được tăng cường, nhất là những tác phẩm thời trẻ của Mác. Những đại hội thảo này đều thể hiện cảm tình với những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác.
Lý giải về nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, chúng ta không thể không đề cập tới tác nhân Xtalin. Xtalin mặc dù có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, song do sự sai lầm trong việc nhận thức phương pháp triết học mácxít dẫn đến sai lầm trong chỉ đạo thực tiễn và đã gây ra những hệ quả không nhỏ. Căn nguyên của sự sai lầm là Xtalin cho rằng phương pháp leninnít và phép duy vật biện chứng là khác nhau. Điều đó đã dẫn đến cách hiểu không đầy đủ cũng như việc vận dụng không đúng phương pháp luận biện chứng duy vật vào hoạt động thực tiễn. Điển hình nhất là mô hình chủ nghĩa xã hội Xtalin. Xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở Liên Xô những năm 30 - 50 của thế kỷ XX - thời Xtalin là chủ nghĩa xã hội nhà nước, là mô hình tổng động viên về phát triển xã hội. Những thành tựu do chính sách kinh tế mới (NEP) đã bị hạn chế dần; nền kinh tế nhiều thành phần đã ngày càng bị thu hẹp và cuối cùng chỉ còn lại duy nhất thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu là nhà nước và tập thể; xã hội Liên Xô ngày càng trở nên trì trệ, thụ động. Mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước tập trung như thời Xtalin đã làm hệ thống chính trị - xã hội Liên Xô bắt đầu trở nên xơ cứng, dần dần bộc lộ những khuyết tật, hạn chế lớn, thiếu hẳn sự cạnh tranh, khả năng thích ứng, sự uyển chuyển và sự năng động cần thiết để phát triển lành mạnh. Sau khi Xtalin qua đời (5/3/1953), Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những sáng tạo nhất định trong việc vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Xtalin trong vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin là rất lớn. Do vậy, những ai đi tìm đường đi khác, mô hình khác với mô hình Xô viết cho chủ nghĩa xã hội đều bị coi là xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin.
(Còn nữa)
ĐAN THANH