Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Một câu ngắn gọn, nhưng đã khái quát rất rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời, đó cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người đối với toàn Ðảng và cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Một câu ngắn gọn, nhưng đã khái quát rất rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời, đó cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người đối với toàn Ðảng và cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn phấn đấu vì mục đích: Giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người, trước hết là nhân dân lao động. Theo Người, độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới, Người đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mắt là chống nạn đói; chống nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác... Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, hô hào chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Trong Thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!... Ðó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Người còn đề nghị đồng bào cả nước và bản thân Người đã gương mẫu thực hiện trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Nhờ những biện pháp tích cực nói trên, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, diện tích trồng lúa và hoa màu tăng lên, nhờ đó, nạn đói đã sớm được khắc phục.
Cùng với chiến dịch diệt giặc đói, chiến dịch diệt giặc dốt cũng được phát động. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo... cha mẹ không biết thì con bảo”, một phong trào thanh toán nạn mù chữ đã dâng cao trong cả nước và chỉ trong một thời gian ngắn, hơn hai triệu người đã biết đọc, biết viết.
Ðể thiết lập cơ sở pháp lý cho nhà nước kiểu mới của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp, khẳng định quyền làm chủ đất nước và các quyền tự do, dân chủ khác của nhân dân. Ðồng thời, Người cũng bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, Người viết Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nhắc nhở “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Khi bước vào công cuộc xây dựng CNXH, trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng. Người nói: “CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ (ví dụ: lấy vợ, lấy chồng sớm quá, cúng bái, liên hoan lu bù, lười biếng...). Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH”.
Người còn xác định trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đã chỉ rõ, “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người khẳng định, Ðảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”.
Sự quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ về vật chất mà quan trọng hơn là Ðảng và Nhà nước phải tổ chức, tạo điều kiện cho nhân dân tự xây dựng đời sống hạnh phúc cho mình. Trong Di chúc, Người viết: “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc... Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang”.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ và đã thu được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn và nhất là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và không ngừng được nâng cao.
Bùi Thanh Long