Lấy phiếu tín nhiệm, một kênh quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo trước nhân dân

08:11, 27/11/2014

Ngày 15/11, tại kỳ họp lần thứ 8, khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành "Lấy phiếu tín nhiệm" 50 chức danh lãnh đạo của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện kết quả trung thực, khách quan, đúng đắn về tín nhiệm của lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp...

Ngày 15/11, tại kỳ họp lần thứ 8, khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành “Lấy phiếu tín nhiệm” 50 chức danh lãnh đạo của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện kết quả trung thực, khách quan, đúng đắn về tín nhiệm của lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Có người vẫn giữ uy tín cao như lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên năm 2013, có người “thăng hạng” độ tín nhiệm so với lần đầu, nhưng cũng có người tiếp tục có tín nhiệm thấp, thậm chí còn “tụt hạng” tín nhiệm so với lần đầu lấy phiếu tín nhiệm…
 
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho cử tri trong cả nước là thước đo năng lực, tinh thần trách nhiệm với cương vị được giao trước Đảng và với nhân dân của các lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Vì vậy, từ kết quả lấy phiếu lần đầu năm 2013, nhìn chung các lãnh đạo của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhằm giữ vững và nâng cao tín nhiệm trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần hai này. Và những nỗ lực, phấn đấu của họ đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá đúng, khách quan bằng kết quả cụ thể qua lá phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, cũng có những lãnh đạo, mặc dù đã có những nỗ lực để làm thay đổi “bộ mặt” ngành do mình quản lý, nhưng vẫn chưa chấm dứt được những sai sót, hạn chế, khuyết điểm, nên chưa tạo được sự tín nhiệm cao đối với cử tri thông qua bỏ phiếu của các đại biểu Quốc hội. Sự đánh giá chỉ số tín nhiệm lần này là cơ sở để lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ “tự soi lại mình” nhận ra ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế để có biện pháp, giải pháp phát huy, khắc phục sửa chữa, tạo uy tín trước cử tri.
 
Trước kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội được công bố, nhiều cử tri trong cả nước, trong đó có cử tri Lâm Đồng rất đồng tình, hoan nghênh cách làm hay của Quốc hội và có mong muốn làm sao ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng cần có sự thăm dò, đánh giá tín nhiệm của cán bộ giữ vai trò, vị trí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tư pháp do HĐND phê duyệt ở địa phương. Ông Trần Đình Kháng, nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng: Do cơ chế, ở cấp tỉnh, cấp huyện, lãnh đạo các sở, ban, ngành đều do ban cán sự Ủy ban trình và Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm; chỉ có những thành viên Ủy ban được Thường trực Ủy ban trình, HĐND phê duyệt, nên HĐND không thể tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như Quốc hội được. Do vậy, cần phải có một cơ chế nào đó hợp lý, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế để giám sát, kiểm tra, đánh giá năng lực, trách nhiệm của các lãnh đạo HĐND - UBND trong nhiệm kỳ. Nếu làm được như vậy, sẽ tạo được động lực thúc đẩy các cán bộ lãnh đạo sau khi được bổ nhiệm luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế để phát huy và nâng cao độ tín nhiệm của cử tri tại địa phương đối với họ. Đồng thời, khắc phục được tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” như hiện nay, có nghĩa là sau khi được bổ nhiệm không còn động cơ phấn đấu, làm việc với tinh thần trách nhiệm không cao, nhưng thành tích thì cá nhân hưởng, khuyết nhược điểm, hạn chế thì tập thể chịu.                         
 
 HOÀNG VƯƠNG MỸ