Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lê nin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng (2/1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “Tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng (10/1930) cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức ra đội tự vệ công nông”.
Từ tháng 9 năm 1939, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập và phát triển như: Du kích Nam Kỳ (1940), Đội du kích Bắc Sơn (1941), Cứu quốc quân (1941)... Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác trong cả nước, thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND).
Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần 9 (đều thuộc tỉnh Cao Bằng), giành được thắng lợi. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của QĐND Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Khi thời cơ để giành tự do, độc lập đã đến, Trung ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Việt Nam giải phóng quân cùng nhân dân cả nước nhất tề tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Thủ đô Hà Nội đã giành chính quyền về tay nhân dân và chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã giành thắng lợi trong cả nước, chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến địa phương.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước 50 vạn nhân dân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do.
3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong năm đầu xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
a) QĐND Việt Nam trong năm đầu xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân (1945 - 1946)
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, quân và dân ta lại đứng trước muôn vàn khó khăn, đặc biệt là chống giặc ngoại xâm. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, được sự hỗ trợ của quân Anh, thực dân Pháp đã trắng trợn nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên, quyết chiến với quân xâm lược, mở đầu thời kỳ “Nam Bộ kháng chiến”. Được cả nước tiếp sức và cổ vũ, quân và dân Sài Gòn đã bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh, giải quyết nhanh của địch, tạo điều kiện cho các nơi khác có thời gian chuẩn bị kháng chiến.
Ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, quân và dân ta cũng đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại âm mưu và kế hoạch định đánh chiếm Nam Trung Bộ cho tới vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) của địch.
Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 trở ra. Bọn Việt Nam Quốc dân Đảng được quân Tưởng che chở, ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bắt cóc, tống tiền... Bộ đội ta đã kiên quyết và khôn khéo đập tan các hoạt động phá hoại của chúng, trừng trị những tên nguy hiểm. Hoạt động phá hoại của bọn phản động bị ngăn chặn. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ được bảo vệ; trật tự, trị an ở Thủ đô và các thành phố được giữ vững.
Theo Sắc lệnh số 71 ngày 25 tháng 5 năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chỉ Minh, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam, tổng quân số lên tới 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu. Hệ thống tổ chức đảng trong quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Trung ương Đảng đối với quân đội. Công tác huấn luyện quân sự ở các đơn vị, việc đào tạo cán bộ được tiến hành rất khẩn trương. Đến cuối năm 1946, đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ, kịp thời đưa về các đơn vị cơ sở trước khi kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
b) QĐND Việt Nam tham gia toàn quốc kháng chiến, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp (1946 - 1947)
Từ tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra cả nước. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tại Hà Nội, với tinh thần: “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ đã chiến đấu rất dũng cảm. Cùng với Hà Nội, quân và dân ta ở nhiều thành phố, thị xã khác cũng tiến công vây hãm quân địch, làm thất bại hoàn toàn âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp hòng đánh úp cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ở các thành phố lớn; giam chân một lực lượng lớn quân địch dài ngày trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc. Khu giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám trở thành trung tâm chỉ đạo cả nước kháng chiến.
Thu - Đông năm 1947, bằng chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”, Pháp mở chiến dịch bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc “chớp nhoáng” cuộc chiến tranh xâm lược. Sau hơn hai tháng chiến đấu (7/10/1947-20/12/1947, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến phát triển sang thời kỳ mới.
c) QĐND Việt Nam cùng toàn dân đánh bại âm mưu bình định và phản công của địch (1948 - 1952)
Sau chiến dịch Việt Bắc, quân đội ta tuy đã có bước trưởng thành, song vẫn chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu “bình định” của địch, ta chủ trương vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa học tập tác chiến tập trung, vận động chiến. Cùng với phát triển chiến tranh du kích, các tiểu đoàn tập trung được xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn. Từ Thu - Đông năm 1948 đến đầu năm 1950, bộ đội ta liên tục mở trên 30 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường, có nhiều tiến bộ về phương diện tác chiến và xây dựng lực lượng; mở rộng các khu căn cứ không chỉ địa bàn trong nước mà cả trên nước bạn Lào, Cam-pu-chia.
Cuối năm 1949 đầu năm 1950, Đảng ta đề ra nhiệm vụ tích cực chuẩn bị lực lượng để chuyển sang tổng phản công. Trên cơ sở chiến tranh du kích phát triển, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực (Đại đoàn 308 năm 1949, Đại đoàn 304 đầu năm 1950); lực lượng pháo binh, công binh, trinh sát được bổ sung biên chế; Bộ Quốc phòng được kiện toàn với ba cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp. Từ đây, công tác huấn luyện được đẩy mạnh. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung; củng cố, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo chiến dịch; góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công.
Sau chiến dịch Biên Giới, các đại đoàn chủ lực liên tiếp được thành lập: Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951) và Đại đoàn 316 (5/1951). Đến giữa năm 1951, Quân đội ta đã có sự lớn mạnh cả về quy mô và khả năng tác chiến (có 5 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công binh, pháo binh); tổ chức nhiều trận đánh lớn, mở những chiến dịch tiến công và phản công, lập chiến công oanh liệt (Chiến dịch Trần Hưng Đạo - 12/1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám - 3/1951, chiến dịch Quang Trung - 5/1951), diệt hơn một vạn tên địch, trong đó gần một nửa là quân cơ động.
Đầu tháng 11 năm 1951, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình làm thất bại âm mưu phản công tiêu diệt bộ đội chủ lực ta của địch. Sau thất bại ở chiến dịch Hòa Bình, để cứu vãn tình thế, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1952, địch mở liên tiếp gần 20 trận càn vào các căn cứ du kích của ta nhằm “bình định” lại đồng bằng Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đây diễn ra gay go, quyết liệt; tiêu diệt hàng nghìn tên địch và quân Pháp vẫn không sao “bình định” lại được đồng bằng Bắc Bộ như trước.
Tại Trung Bộ và Nam Bộ, sau một thời gian củng cố, bộ đội ta đã cùng du kích chống càn quét và tiến công các căn cứ địch; góp phần tiêu hao, tiêu diệt lực lượng của địch, phát triển lực lượng, mở rộng nhiều vùng căn cứ, đánh bại âm mưu “bình định” của địch. Ngày 5 tháng 12 năm 1951 tại Bình - Trị - Thiên, Đại đoàn 325 được thành lập, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng”.
Đầu tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai ở vùng Tây Bắc, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào. Mùa xuân năm 1953, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào mở chiến dịch tiến công Thượng Lào, trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng; giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ. Căn cứ kháng chiến của nước Lào được mở rộng, nối liền với vùng Tây Bắc của Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào, giữa QĐND Việt Nam và Quân giải phóng Pa-thét Lào cùng chống kẻ thù chung.
Trong thời gian hơn hai năm (từ đầu năm 1951 đến giữa năm 1953) quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng chiến lược, mở rộng và củng cố vùng tự do, đánh bại âm mưu “bình định” và phản công quyết liệt của chúng, đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới, chuẩn bị cho tác chiến Đông - Xuân 1953-1954.
d) QĐND Việt Nam cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ
Trước những thay đổi trong cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tháng 9 năm 1953 Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Các đơn vị chủ lực đã phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường: Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, Tây Nguyên, Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi, kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản.
Trước thời cơ thuận lợi, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết tâm chiến lược là: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”. Qua 3 đợt tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mở đầu từ ngày 13 tháng 3 năm 1954, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đến 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, bộ đội ta chiếm sở chỉ huy của địch, bắt tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu địch, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng số quân địch bị tiêu diệt và bắt sống là 16.200 tên, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất, kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; miền Bắc được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.