(LĐ online) - Trong khuôn khổ chuyến thực tế với các tỉnh Tây Nguyên, sáng 14/12, đoàn công tác tỉnh Sơn La, do đồng chí Trương Quang Nghĩa - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển KT-XH của hai địa phương.
(LĐ online) - Trong khuôn khổ chuyến thực tế với các tỉnh Tây Nguyên, sáng 14/12, đoàn công tác tỉnh Sơn La, do đồng chí Trương Quang Nghĩa - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển KT-XH của hai địa phương.
Tiếp, làm việc với đoàn, về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, hai địa phương đã giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, những tiềm năng thế mạnh và một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014. Là một trong những tỉnh biên giới nhưng Sơn La và Lâm Đồng có nhiều điểm tương đồng, rất thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp và du lịch. Đoàn công tác của tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm đến chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Lâm Đồng.
Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh Lâm Đồng triển khai từ năm 2012, đến nay diện tích đạt gần 40.000ha, chiếm 15% diện tích canh tác nông nghiệp của toàn tỉnh. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất toàn ngành; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi áp dụng công nghệ cao tăng bình quân từ 25-30%/năm, tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tăng giá trị sản xuất rau đạt bình quân 450-500 triệu đồng/ha/năm; riêng cây hoa cao cấp đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha; chè chất lượng cao đạt từ 300-375 triệu đồng/ha; cà phê từ 200-250 triệu đồng/ha. Tính chung giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt từ 250-300 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung.
Ngoài việc tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng còn chú trọng xây dựng các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm với 276 doanh nghiệp chế biến nông sản, 70 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã và 232 tổ hợp tác.
Trong phong trào xây dựng NTM, sau 6 năm triển khai ở 117/147 xã, phường, thị trấn, đến nay Lâm Đồng đã có 16 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM; 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 34 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM…
Đánh giá cao kết quả phát triển KT-XH, đặc biệt chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Trương Quang Nghĩa chúc mừng những thành quả mà tỉnh Lâm Đồng đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn được tỉnh Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất cũng như mô hình liên kết trong tiêu thụ nông sản và việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh kinh nghiệm trong việc quy hoạch, phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương. Đồng chí cũng chia sẻ thêm với tỉnh Sơn La về một số kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế du lịch, trong đó chú trọng dựa vào cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc; đồng thời khẳng định yêu cầu tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển KT-XH của hai địa phương.
Thụy Trang