Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản phải tuân thủ theo nguyên tắc: tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, nguyên tắc đoàn kết thống nhất.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản phải tuân thủ theo nguyên tắc: tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác, nguyên tắc đoàn kết thống nhất.
Trong hệ thống những nguyên tắc đó, “tự phê bình và phê bình” được coi là vũ khí, quy luật xây dựng - phát triển Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên trước hết phải tự phê bình sau đó mới nói đến phê bình, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Thực hiện tự phê bình và phê bình tốt sẽ góp phần xây dựng khối đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các trí thức tại Hội nghị chính trị hiệp thương năm 1964. Ảnh: Tư liệu |
Trong Di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân, nội dung Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng, nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” và “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, 2002, T7, Tr 492).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tự phê bình và phê bình đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, luôn nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp phê bình cho mỗi chúng ta là những cán bộ, đảng viên phải noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tự phê bình và phê bình là một việc làm rất khó khăn, không dễ dàng. Tâm lý của con người nói chung là ai cũng thích được khen hơn bị chê, bị người khác phê bình hoặc khi nghe nói đến một vấn đề nào đó thì cứ nghĩ người khác nói đến bản thân và có phản ứng ngay - luôn sợ khuyết điểm hay lo lắng ai đó “áp đặt” khuyết điểm cho mình! Trong thực tế cuộc sống còn có quan niệm cho rằng nếu tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự hạn chế yếu kém của chính bản thân mình. Nếu thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sẽ bị mất uy tín. Vì vậy, phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn.
Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề: “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; nếu càng làm nhiều công việc thì càng dễ mắc nhiều sai khuyết điểm hơn. Điều quan trọng là người đó có dám tự nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa hay không. Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, 2002, T5, Tr 261).
Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề tự phê bình và phê bình, tính tự giác, hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra tình trạng “tả khuynh” hay “hữu khuynh” trong công tác và cuộc sống; điều đó ảnh hưởng nhất định đến công tác xây dựng khối đoàn kết thống nhất, đến xây dựng Đảng hiện nay. Để thực hiện tự phê bình và phê bình cần nắm vững những vấn đề mang tính nguyên tắc, thể hiện tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ, đồng bộ sau đây:
Một là, nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí, mục đích, động cơ, thái độ của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về tự phê bình và phê bình bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm” và “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, 2002, T7, Tr 114).
Hai là, tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng, phải đạt tới cái đích là làm rõ đúng, sai có tình có lý “lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bảo đảm tính khách quan, trung thực, thẳng thắn và chân tình.
Ba là, về phương pháp: tự phê bình và phê bình muốn có hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải đảm bảo đúng nguyên tắc, song cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nếu chỉ dùng phương pháp cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc, áp đặt thì rất khó tiếp thu. Phê bình không đúng lúc, đúng chỗ, không khôn khéo sẽ có tác dụng ngược lại, thậm chí còn gây ra hậu quả khó lường. Tự phê bình và phê bình phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điếm của mình, để tự mình sửa chữa. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong tổ chức, đúng nơi, đúng lúc, chứ không phải gặp đâu nói đó.
Bốn là, quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình nản chí, oán ghét người và tổ chức được phê bình phải có thái độ thành khẩn, vui lòng để sửa đổi. Tăng cường siết chặt kỷ luật và công tác giám sát, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới; nâng cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ quản lý, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng và chính quyền.
Những tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và làm theo sự thật” như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đề ra, thì việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình sẽ vô cùng có ý nghĩa trong việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Khẳng định sự cần thiết của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chỉ Minh”. Đó là công việc lâu dài để xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần cho xã hội, đồng thời là giải pháp quan trọng khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Võ Thị Thu Hà