Phòng chống tham nhũng khó, nhưng quyết tâm làm, sẽ tạo hiệu ứng tốt trong xã hội

04:12, 11/12/2014

"Phòng chống tham nhũng là một công việc khó, bởi tâm lý của người Việt Nam ngại va chạm. Nhưng nếu các cơ quan chức năng quyết tâm làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, thì sẽ tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, nghĩa là tạo được sự dũng cảm, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng của toàn xã hội."

Ông Lê Xuân Tùng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng dùng hình tượng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm xe máy để ví như phòng chống tham nhũng hiện nay. Ông nói “Từ bỏ thói quen là rất khó. Trước đây, người tham gia giao thông cứ “đầu trần” ra đường, trở thành thói quen. Nhưng khi luật pháp quy định phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông, phải mất một thời gian dài tuyên truyền, vận động, đến nay người dân mới chấp hành khá triệt để quy định. Cũng như vậy, phòng chống tham nhũng là một công việc khó, bởi tâm lý của người Việt Nam ngại va chạm. Nhưng nếu các cơ quan chức năng quyết tâm làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, thì sẽ tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, nghĩa là tạo được sự dũng cảm, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng của toàn xã hội”.
 
Là 1 trong 5 Ban xây dựng Đảng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng thành lập tháng 6/2013, với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng. Riêng về công tác phòng chống tham nhũng, Ban có chủ trương: Phòng là chính, chống là kết quả của phòng và là công cụ đắc lực để làm tốt công tác phòng. Với chủ trương đó, từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, tuy gặp một số khó khăn nhất định như: trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm công tác phòng chống tham nhũng của đội ngũ cán bộ, chuyên viên vừa chưa đáp ứng được yêu cầu, vừa thiếu sâu sắc; sự đồng thuận, hưởng ứng của xã hội chưa cao; hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó nhận diện… Tuy nhiên, Ban gặp được nhiều thuận lợi cơ bản, đó là: Có Luật Phòng chống tham nhũng làm chỗ dựa vững chắc, có sự tạo điều kiện thuận lợi của Thường trực, TVTU, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan trong khối nội chính và sự đồng tình, ủng hộ của một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Trên nền tảng thuận lợi đó, một mặt Ban đã tham mưu Ban TVTU ban hành 4 quy chế phối hợp công tác với 4 cơ quan nội chính gồm: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh, VKSND tỉnh và TAND tỉnh trong việc nhận tin tố giác tham nhũng, phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, các đối tượng tham nhũng. Trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất và quyết tâm cao giữa các cơ quan trong khối nội chính trong xử lý những vụ việc, những cá nhân tham nhũng. 
 
Cùng với đó, triển khai chủ trương của Ban Nội chính TW, Ban đã xây dựng quy chế mua tin tố giác tham nhũng, với 12 hành vi cụ thể và mức tiền mua tin có giá trị từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/tin, tùy theo giá trị của nguồn tin. Mặt khác, Ban đã tổ chức tuyên truyền Luật Phòng chống tham nhũng vào các cơ quan, đơn vị, các trường THPT, đại học, cao đẳng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm dạy nghề hướng nghiệp. Bước đầu, một số cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, một số trường học đã đưa nội dung phòng chống tham những vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Đặc biệt, đã có một số cá nhân liên hệ với Ban để bán thông tin về tham nhũng. Tuy nhiều trường hợp bán tin chưa chính xác, do có sự nhầm lẫn giữa tố cáo hành vi tội phạm với hành vi tham nhũng. Nhưng như vậy đã có “tín hiệu tốt” về hiệu ứng của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Ban cũng đã tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tiến hành rà soát, luân chuyển vị trí công tác của một số chức danh có điều kiện tham nhũng và tiến hành kiểm tra việc kê khai tài sản đối với những cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. 
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Có ý kiến cho rằng Lâm Đồng là tỉnh nghèo, nên không có tham nhũng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cũng như ở nhiều địa phương khác, Lâm Đồng cũng có tham nhũng (thậm chí khá nghiêm trọng), nhưng do công tác chống tham nhũng của các cơ quan nội chính chưa mạnh, chưa quyết liệt, chưa tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ của xã hội, nên chưa phát hiện, xử lý được nhiều. Ông Lê Xuân Tùng chia sẻ: Một số tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên… còn nghèo hơn Lâm Đồng, nhưng vẫn có tham nhũng. Tham nhũng xảy ra ở những ngành, những lĩnh vực “nhạy cảm” như công an giao thông, tài chính, thuế, tài nguyên môi trường, rừng, đất đai, đầu tư công… và ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, trở thành quốc nạn, là kẻ thù “nội xâm” gây nguy cơ đến sự tồn vong Đảng, chế độ… Thấy được nguy cơ đó, Đảng - Nhà nước quyết định thành lập Ban Nội chính từ TW đến địa phương. Từ khi được thành lập đến nay, tuy chưa mạnh, chưa quyết liệt, nhưng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng đã làm được một số việc trong công tác chống tham nhũng, cụ thể: Ngoài vụ án nổi cộm ở Công ty XSKT Lâm Đồng, năm 2014, Ban đã phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính phát hiện, xử lý được 16 vụ/22 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó, xử lý kỷ luật 5 vụ/10 trường hợp, xử lý hình sự 11 vụ/12 trường hợp. Tổng giá trị sai phạm gần 6,6 tỷ đồng. 
 
Với kết quả này, khách quan đánh giá là chưa nhiều, chưa tương xứng với tình hình thực tế xảy ra ở địa phương, nhưng cũng thấy được sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng ở Lâm Đồng. Nếu thời gian tới, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ quan nội chính, sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội và sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn xã hội, thì tin rằng công tác phòng chống tham nhũng ở Lâm Đồng sẽ đạt được kết quả cao hơn. Và như thế sẽ đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu nguy cơ giặc “nội xâm” đối với sự tồn vong của chế độ, của đất nước!
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ