Giá trị văn hóa - nhân văn của QĐND Việt Nam là sự kế thừa, kết tinh văn hóa đánh giặc giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, với tư tưởng cốt lõi là "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo"…
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi định nghĩa về văn hóa, Người còn ghi thêm: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: (1) Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; (2) Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; (3) Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; (4) Xây dựng chính trị: dân quyền; (5) Xây dựng kinh tế”. Từ cách tiếp cận về văn hóa theo tư tưởng của Bác, chúng ta mới thấu hiểu phần nào về giá trị văn hóa - nhân văn nhưng rất đỗi anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND).
Giá trị văn hóa - nhân văn của QĐND Việt Nam là sự kế thừa, kết tinh văn hóa đánh giặc giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, với tư tưởng cốt lõi là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo”; đồng thời có sự tiếp thu văn hóa quân sự của chủ nghĩa Mác-Lê nin và dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu; được sự tổ chức, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của nhân dân, có nhiệm vụ cao cả là trung thành với Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Từ đó, phát triển văn hóa đánh giặc của ông cha ta lên một tầm cao mới, cách mạng - khoa học, mưu trí, sáng tạo, độc đáo, hiệu quả cao. Tính văn hóa - nhân văn đã được chứng minh một cách hùng hồn qua 70 năm xây dựng và trưởng thành của QĐND Việt Nam; đó là:
Thứ nhất, mục tiêu cao cả, chủ đạo nhất của QĐND Việt Nam là sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính từ mục tiêu chiến đấu nhân nghĩa, nhân văn mà Bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; họ dám “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và do đó dám đánh, biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, QĐND Việt Nam chiến đấu còn vì mục đích bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc, kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến và văn hóa đã trở thành yếu tố vượt trội so với yếu tố vũ khí thuần túy. Từ tư tưởng nhân văn cao cả, QĐND Việt Nam đã vận dụng mọi cách đánh sáng tạo, độc đáo; chiến đấu và chiến thắng bằng trí tuệ, tinh thần tự tôn dân tộc và sức mạnh toàn diện, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc… Đó là những yếu tố làm nên giá trị văn hóa - nhân văn chủ đạo của QĐND Việt Nam anh hùng.
Thứ hai, QĐND Việt Nam là đội quân tiên phong trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Tiền thân của quân đội ta là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thực tiễn 70 năm xây dựng và phát triển, QĐND Việt Nam thực sự là lực lượng có đủ năng lực, uy tín để thực hiện tốt chức năng của một “đội quân tuyên truyền” đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giác ngộ, động viên quần chúng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; tích cực tham gia các hoạt động xã hội… Đó là những việc làm có giá trị văn hóa - nhân văn sâu sắc, phù hợp với những điều ghi nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là: “biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng” và thực hiện: “mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội”.
Thứ ba, QĐND Việt Nam là đội quân vừa đánh giặc vừa lao động sản xuất nhằm đảm bảo hậu cần, tự cải thiện cuộc sống của bộ đội, giảm bớt một phần đóng góp của nhân dân để trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng; đồng thời giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Trong chiến tranh, các khẩu hiệu “Chắc tay súng, vững tay cày”, “Mỗi viên đạn, một quân thù”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… đã toát lên bản sắc truyền thống dân tộc. Trong thời bình, Quân đội ta tiếp tục phát huy truyền thống vừa chiến đấu vừa sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế. Nhiều đơn vị bộ đội, các công ty, xí nghiệp, các đoàn Kinh tế - Quốc phòng của quân đội đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giúp đỡ nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thế trận quốc phòng vững chắc tại các địa bàn trọng yếu của Tổ quốc… được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Thứ tư, tinh thần đồng chí, đồng đội, tin tưởng, tôn trọng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt là nét văn hóa cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là sự kế thừa và phát triển truyền thống lòng nhân ái, khoan dung “Tướng Sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” của dân tộc và được nâng lên một tầm cao mới đó là tình đồng chí, đồng đội không phân biệt đẳng cấp, tất cả đều hướng tới mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì công lý và lẽ phải trên đời. Mối quan hệ đồng chí, đồng đội được thể hiện ở sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sự gắn bó giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ lúc thường cũng như lúc chiến đấu. Đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng, là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của QĐND Việt Nam anh hùng, trăm trận - trăm thắng.
Thứ năm, với tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, QĐND Việt Nam đã đoàn kết, chí nghĩa, chí tình với bạn bè quốc tế; kề vai sát cánh cùng Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia chiến đấu trên một chiến trường, sẵn sàng hy sinh xương máu để giúp bạn thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù xâm lược, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khơ me đỏ; cùng với lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh chống lại các cuộc chiến tranh phi nghĩa vì lương tâm, phẩm giá con người và để khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhờ tình cảm cao đẹp mà Việt Nam đã được đông đảo nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình ủng hộ tạo nên sức mạnh thời đại, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ta.
Thứ sáu, có lòng nhân đạo, khoan dung, độ lượng với tù binh, với nhân dân của chính kẻ thù mình. Vốn là một dân tộc hiếu hòa, rất yêu chuộng hòa bình, việc đánh giặc là bất đắc dĩ, chỉ vì “cốt ở yên dân”. Cho nên, ông cha ta trước đây cũng như trong các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn tìm mọi cách để không xảy ra chiến tranh và khi đã xảy ra thì tìm mọi cách sớm kết thúc chiến tranh, hạn chế tối đa sự tổn thất xương máu của cả hai bên. Lòng khoan dung, nhân đạo là đặc trưng văn hóa Việt Nam, là nhân tố tạo nên “sức mạnh mềm” đối đầu thành công trước sức mạnh vật chất, vũ khí tối tân hiện đại của kẻ thù. Chính từ triết lý nhân văn mà chúng ta đã phân biệt rõ ràng giữa kẻ thù và nhân dân ở nước đối phương nên đã tranh thủ được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ; khi giành được thắng lợi thì đối xử rất khoan hồng, nhân đạo với tù binh; sau khi chiến tranh kết thúc thì tìm mọi cách để bình thường hóa quan hệ, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, Việt Nam muốn là bạn với tất cả quốc gia, dân tộc trên thế giới…
Từ những nội dung trên đây, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng, sức mạnh to lớn và thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được bắt nguồn từ giá trị văn hóa - nhân văn của dân tộc Việt Nam và văn minh của thời đại, đã được kết tinh một cách trọn vẹn trong QĐND Việt Nam.
VĂN NHÂN