Một trong những chương trình hành động lớn đặt ra là chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) và xuất phát từ tình hình thực tế địa phương, Đảng bộ huyện Đơn Dương đã đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X. Một trong những chương trình hành động lớn đặt ra là chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với yêu cầu hội nhập, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
|
Chế biến rau sấy khô tại Công ty Thực phẩm Asuzac Đà Lạt - Cụm công nghiệp Ka Đô (Đơn Dương). Ảnh: HẢI PHONG |
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Đảng bộ Đơn Dương sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và xây dựng NTM. Đơn Dương triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học CNC, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và tình hình biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới, chú trọng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện tiếp tục xây dựng Đề án phát triển thương hiệu rau, hoa, trái cây Đơn Dương nhằm quảng bá, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Trước mắt, huyện tiếp tục quy hoạch vùng phát triển các loại rau, hoa ở các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập trở thành vùng kinh tế động lực trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; đa dạng hóa các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã Tu Tra, Ka Đơn, Đa Ròn, P’roh, gắn với phát triển rau, hoa trờ thành vùng chủ lực phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng về chăn nuôi, gắn với trồng trọt ứng dụng CNC. Mở rộng kênh thông tin thu hút đầu tư, sớm xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Đơn Dương thực hiện rà soát và trồng rừng theo quy hoạch, tăng độ che phủ và làm giàu rừng; triển khai nhân rộng mô hình quản lý bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường lãnh đạo phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn dân, tiếp tục huy động hợp lý các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Chú trọng tiêu chí nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2017 có 8/8 xã đạt chuẩn các tiêu chí NTM; giữ vững, nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới.
Trên lĩnh vực dịch vụ và du lịch, Đơn Dương sẽ đầu tư phát triển trong chuỗi du lịch là vùng phụ cận của TP Đà Lạt; phát huy những ưu thế về cảnh quan, thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa; tạo động lực mới cho phát triển bằng các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng và nâng cao các dịch vụ. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch; chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống các dịch vụ nông thôn, nâng cấp và phát huy hiệu quả các chợ; xây dựng điểm trung chuyển hàng nông, lâm sản ở khu vực Nam và Bắc sông Đa Nhim theo hướng vừa trung chuyển, giao dịch, bảo quản, phân loại và chế biến nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Trong phát triển công nghiệp (CN), Đơn Dương khảo sát đánh giá đúng thực trạng phát triển CN, TTCN giai đoạn 2011-2015, xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có tính lợi thế, phục vụ nông nghiệp, kinh tế nông thôn; quản lý xây dựng, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hợp lý. Mặt khác, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu đề xuất cơ chế đặc thù ưu tiên cho huyện đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, công nghệ sạch trong sản xuất, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp chế biến sữa, các làng nghề truyền thống, gắn với xây dựng NTM, cơ bản lắp đầy Cụm công nghiệp Ka Đô vào năm 2020…
Trong quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực, Đơn Dương tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, trọng tâm là trật tự đô thị, xây dựng dân dụng. Quản lý chặt chẽ và xây dựng 2 thị trấn theo quy hoạch phê duyệt. Đến năm 2020 thị trấn Thạnh Mỹ đạt đô thị loại IV; quy hoạch và phát triển thị trấn Dran theo hướng bảo tồn, phát huy tính đặc thù về văn hóa, lịch sử; tạo liên kết mở các tour du lịch kết nối với TP Đà Lạt và TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)…
Đơn Dương xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhất là ở các khu vực như cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản, các cụm đông dân cư, khu đô thị. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống xử lý nước thải, chất thải…
Với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đến năm 2020, Đơn Dương phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 8,5%; trong đó, nông - lâm - thủy tăng 7,8%, CN-XD tăng 10,5%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm 11-12%; thu thuế, phí tăng bình quân 12-13%. Tỷ lệ hộ nghèo đến 2020 còn dưới 0,5%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn dưới 1,5%. 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 58%…
LAN HỒ