(LĐ online) - Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn gian khổ, ác liệt, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày kỷ niệm để tỏ lòng "hiếu nghĩa bác ái" đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Người căn dặn: "Thương binh, bệnh binh gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ"
(LĐ online) - Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn gian khổ, ác liệt, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày kỷ niệm để tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công (NCC), thực hiện lời dạy của Bác, gần 70 năm qua, khởi đầu từ Sắc lệnh 20/SL, ngày 16-2-1947, “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc NCC; đã ban hành hàng nghìn văn bản, hàng trăm sắc lệnh, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về thực hiện chính sách đối với TBLS, NCC với nước. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của BCH Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, trong đó nêu rõ: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng NCC, chiếm gần 10% dân số. Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh phí nhà nước để thực hiện các chính sách ưu đãi NCC vẫn tăng dần hằng năm (năm 2015 khoảng 33.500 tỷ đồng), đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một hạn chế, bất cập khiến nhiều NCC chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong khi đó có không ít đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của chính sách để trục lợi, hưởng sai chế độ, gây dư luận xấu trong xã hội;…Kết quả thanh tra của Bộ LĐTB&XH ở 37 tỉnh, thành phố với 4.623 hồ sơ được thanh tra, qua đó đã phát hiện 590 hồ sơ có sai phạm (có 372 hồ sơ phải cắt và thu hồi trợ cấp). Thanh tra Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành 1.491 cuộc thanh tra, phát hiện 1.295 đối tượng hưởng sai chính sách với tổng số tiền thu hồi cho ngân sách là trên 5 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật 134 cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ…
Báo cáo về Kết quả tổng rà soát theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27/10/2013 của Chính phủ do Bộ LĐTB&XH thực hiện cho thấy, tổng số đối tượng được rà soát 2.070.151 người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người, số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người. Đáng chú ý, qua tổng hợp sơ bộ, đến nay còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ…
Riêng tỉnh Lâm Đồng hiện đang có 36.256 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách NCC, trong đó có 4.519 gia đình liệt sĩ, 240 mẹ Việt Nam Anh hùng, 04 Anh hùng LLVTND, 3.842 thương binh, 1.909 bệnh binh, 77 cán bộ lão thành cách mạng, 108 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.315 người có công với cách mạng, 2.106 người bị nhiễm chất độc hóa học... Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chăm lo NCC; tuyên truyền vận động, huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hàng tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa được nhiều căn nhà tình nghĩa, tặng hàng chục sổ tiết kiệm; hỗ trợ nguồn vốn, dạy nghề giải quyết việc làm cho các đối tượng…Đồng thời, tập trung rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC theo Chỉ thị 23/2013/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn xem xét, xử lý những trường hợp hưởng chế độ không đúng đối tượng quy định, tiếp tục giải quyết chính sách cho những đối tượng chưa được hưởng chế độ. Đến nay, về cơ bản đối tượng NCC ở Lâm Đồng có cuộc sống ổn định, với mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú; nhiều gia đình trở thành những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách NCC vẫn còn những hạn chế như đời sống một số gia đình chính sách còn khó khăn; một số người bị nhiễm chất độc hóa học là dân thường, nhưng không được hưởng chế độ; đặc biệt tình trạng giả mạo hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam, thương binh, có người không tham gia kháng chiến nhưng lại được hưởng chế độ gây bất bình trong dư luận, dẫn đến đơn thư khiếu kiện, tố cáo (mặc dù kết quả rà soát gần 11.700 thuộc đối tượng rà soát, nhưng chỉ có 4 trường hợp hưởng sai, chiếm tỷ lệ 0,034% và Sở LĐTB&XH đã có quyết định đình chỉ và thu hồi gần 600 triệu đồng trợ cấp)...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh, thời gian tới thiết nghĩ cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực ưu đãi NCC và thân nhân của họ; phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc NCC, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC; xử lý, giải quyết những trường hợp còn tồn đọng, sai sót...
Ba là, tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm; giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC; điều tra, xử lý, kết luận theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi NCC, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách; kiên quyết đình chỉ việc thụ hưởng chế độ và thu hồi khoản tiền hưởng sai chế độ; tăng cường chỉ đạo Hội đồng Giám định y khoa các cấp hoạt động hiệu quả, khám giám định đúng đối tượng…
Bốn là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng người có công trên địa bàn xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra công tác ủy quyền nhận trợ cấp ưu đãi của đối tượng chính sách NCC đảm bảo đối tượng được lĩnh đầy đủ, kịp thời, tránh sai sót, thiếu trợ cấp. Quan tâm tuyển chọn công chức có đủ điều kiện về tiêu chuẩn có khả năng tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả chế độ chính sách NCC trên địa bàn.
Năm là, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ NCC về nhà ở; hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng.
Sáu là, phát huy vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, cùng nhà nước chăm lo tốt hơn đối với NCC; giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và việc giải quyết những vấn đề tồn tại qua tổng rà soát; tiếp nhận ý kiến của quần chúng nhân dân, phát hiện những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi NCC, phản ánh kịp thời để các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết, bảo đảm các chế độ ưu đãi đối với NCC được thực thi nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và công bằng.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCC thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo…tạo điều kiện cho NCC và gia đình họ học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội đối với NCC, vừa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó, góp phần vào sự ổn định xã hội, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
LINH NHÂN