"Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển; Chính phủ liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, có kỷ luật, kỷ cương; hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp...".
* Lần đầu các thành viên mới của Chính phủ họp với lãnh đạo chủ chốt của 63 tỉnh thành
* Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế
“Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển; Chính phủ liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, có kỷ luật, kỷ cương; hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Người dân và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm…”.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, Lâm Đồng quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng - đóng cửa rừng tự nhiên! |
Xây dựng thể chế để trở thành chính phủ kiến tạo
Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2016 của Chính phủ trong 2 ngày làm việc 30/6 và 1/7 vừa qua. Chính phủ đã dành 1 buổi để bàn về xây dựng thể chế với trọng tâm là hoàn thành các văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phát triển. Chính phủ đã ban hành 49/50 Nghị định với tinh thần đổi mới. Thủ tướng khẳng định, mặc dù các nghị định về đầu tư kinh doanh được ban hành theo thủ tục rút gọn, nhưng không rút gọn quy trình lấy ý kiến doanh nghiệp và đối tượng tác động trực tiếp; đồng thời kiên quyết cắt giảm các điều kiện không còn phù hợp và chuyển các điều kiện kinh doanh sang các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, còn đến 114 nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành các bộ luật có hiệu lực trong năm nay vẫn chưa được ban hành.
Thủ tướng yêu cầu, cần phải rút kinh nghiệm từ quá trình soạn thảo Bộ luật Hình sự để không chạy theo mục tiêu về thời gian và số lượng mà bỏ qua chất lượng; không được áp đặt tư duy cũ trong xây dựng văn bản pháp luật; không cho phép các cơ quan nhà nước cho thuê lại bất động sản được nhà nước giao quản lý. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tập trung xây dựng thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục phân cấp mạnh mẽ và “cởi trói” cho các địa phương phát triển trên tinh thần minh bạch, giảm dần và tiến tới xóa bỏ tình trạng xin cho, lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế và văn hóa, khoa học công nghệ… để khu vực tư nhân trở thành khu vực quan trọng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng nhận trách nhiệm của Chính phủ khi nền kinh tế chưa đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Dù tăng trưởng kinh tế ở mức 5,52% - chưa đạt được như kỳ vọng (6,7%), thu ngân sách trung ương mới đạt 47%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (45/63 địa phương thu ngân sách đạt trên 50% kế hoạch), kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82 tỷ USD - thấp hơn 4% so với mục tiêu đề ra, hạn hán và xâm nhập mặn làm thiệt hại 1,3 triệu tấn lúa, thiệt hại cho nông nghiệp hơn 16 nghìn tỷ đồng - bằng 0,9% tổng sản phẩm mà cả nước đã làm ra trong nửa năm qua, vốn nhà nước giải ngân 26%… nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu Quốc hội giao. Chính phủ quyết tâm không lùi bước trước khó khăn, thách thức, sẽ vượt qua khó khăn để thực sự là chính phủ kiến tạo, sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp tăng trưởng. Đây là phẩm chất của chính phủ kiến tạo. Muốn vậy, phải tập trung cải cách thể chế và định hình nội dung tái cơ cấu kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
|
Đóng cửa rừng tự nhiên phù hợp với tiêu chí xây dựng Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Ảnh: PHẠM VĂN DŨNG |
Nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 2,4% (cùng kỳ năm 2015 tăng 1%), bình quân 6 tháng tăng 1,72% (cùng kỳ năm 2015 tăng 0,63%). Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng chi NSNN trong 6 tháng đầu năm ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2%). Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt khoảng 618,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 31,1% GDP, tăng 9,4%). Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,6%). Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 11,28 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 19,8%). Tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I, nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Tính chung 6 tháng đầu năm tỷ lệ tăng trưởng GDP ước tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ là 6,32%... |
Thủ tướng đưa ra các câu hỏi, yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tự chất vấn, như: Chủ trương tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh đã đi vào cuộc sống chưa? Bộ máy chính quyền các cấp đã phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp chưa? Cũng như có thực sự là chính quyền kiến tạo hay chưa? Vì sao dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ và kỷ cương phép nước còn bất cập, lộn xộn? Chính phủ và địa phương phải chấn chỉnh như thế nào để bộ máy nhà nước thực sự là chính phủ kiến tạo?. Sự kiện nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh EU tạo nên dư chấn “Brexit”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng khẳng định đã có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán và giá vàng. Chỉ số chứng khoán giảm, trong khi giá vàng tăng khoảng 3 - 3,5%. Brexit tác động ngắn hạn là tâm lý, nhưng chưa có tác động đến kinh tế của Việt Nam. Còn lâu dài, đồng Euro, USD có thể mất giá - ảnh hưởng đến trả nợ công của Việt Nam. Chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách cơ cấu lại nợ công.
Về vụ việc Formosa, Thủ tướng đánh giá là vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng nhất. Chính phủ đã có những bước đi, chỉ đạo chặt chẽ, có lý lẽ mới đạt được kết quả như công bố. Formosa cam kết không tái diễn và nếu tái diễn sẽ phải đóng cửa. Qua vụ việc này, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế, không thể vì thu hút đầu tư, vì chỉ tiêu kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường trong phát triển, nhất là với những dự án đang tạo nên dư luận như hiện nay, như dự án sản xuất giấy ở sông Hậu (Hậu Giang) phải kiểm tra, thẩm định, giám sát chặt chẽ, nếu không ảnh hưởng đến đời sống của người dân - không chỉ ở Hậu Giang mà cả ở vùng hạ du sông Hậu, mới cho thực hiện…
Về biện pháp khắc phục môi trường biển và sử dụng 11.500 tỷ đồng đền bù của Formosa một cách hiệu quả, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các bộ ngành đề xuất biện pháp hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đánh bắt xa bờ, hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân ở vùng thiệt hại trực tiếp do cá chết một cách hiệu quả; giao Bộ TN-MT chủ trì hình thành quỹ Môi trường để khắc phục môi trường bị tổn thương do chất thải của Formosa; giao Bộ Tài chính chủ trì các dự thảo chính sách để sớm trình Chính phủ ngay trong tháng 7 này.
Đại diện lãnh đạo các địa phương Hà Nội, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Sóc Trăng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Hải Phòng, Hà Nam, Cao Bằng… phát biểu tập trung vào các vấn đề: phân cấp thẩm định công trình xây dựng; sớm có hướng dẫn về phân bổ vốn về chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, tập trung vốn cho chương trình xóa đói giảm nghèo; cho phép doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng tại các ngân hàng thương mại thay vì phải ký quỹ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư…; điều chỉnh quy hoạch sản xuất đối với những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như hạn, mặn…
Thủ tướng đề nghị 63 tỉnh thành cần nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng cường cải cách hành chính và tăng cường kỷ cương của từng cơ quan trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấn chỉnh xâm phạm tài sản nhà nước và đào đãi khoáng sản trái phép. Thủ trưởng chỉ đạo các cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện, người nào không hoàn thành nhiệm vụ cần phải thay thế chứ không thể tiếp tục tình trạng “cá mè một lứa” như hiện nay. Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hết sức trong 6 tháng còn lại của năm 2016 mới đạt được mục tiêu đề ra.
Về vụ việc nhà số 8B Lê Trực, Thủ tướng yêu cầu lấy việc xử lý công trình này làm gương trong lập lại kỷ cương, trật tự đô thị. Hà Nội phải cam kết xử lý sai phạm tại dự án nói trên, không để kéo dài, phải coi đây là bài học chung cho việc xử lý các công trình vi phạm trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc, đi đầu thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, điều tra nghiêm minh những đối tượng vi phạm và không được phép chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Vì Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, mất rừng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Đoàn Văn Việt: Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo chủ tịch các UBND xã mỗi tuần phải đi kiểm tra rừng 1 lần, còn chủ tịch UBND huyện 1 tháng phải đi kiểm tra rừng 2 lần, lãnh đạo tỉnh thì phải đi xử lý ngay các điểm nóng. Tỉnh cũng đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ tháng 3/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo dừng tất cả các dự án có vốn ngoài ngân sách đầu tư vào rừng, chỉ xem xét 2 loại dự án là dự án thủy điện và nuôi cá nước lạnh. So với năm 1999, sau 15 năm, diện tích rừng của tỉnh đã giảm 11%. Diện tích rừng hiện còn lại là trên 500.000 ha, độ che phủ còn 52,5%, đứng thứ 2 ở Tây Nguyên sau Kon Tum. Việc giảm diện tích rừng những năm qua là do việc chuyển đổi đất rừng, trong đó có việc làm thủy điện, do tình trạng phá rừng… Với các giải pháp đã triển khai, rừng Tây Nguyên sẽ giữ được diện tích như yêu cầu của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Cao: Những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của vụ hủy hoại môi trường do Formosa gây ra cho 4 tỉnh miền Trung đa số là dân đánh bắt gần bờ không có đất để chuyển đổi. Đề xuất cho đóng tàu để đánh bắt xa bờ, hoặc xuất khẩu lao động. Ngoài ra, du lịch biển cũng bị ảnh hưởng lớn, đề nghị có chính sách về tín dụng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn này…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Văn Sửu: Với công trình nhà 8B Lê Trực, đến nay thành phố đã chỉ đạo phá dỡ 328m2 sàn mái tầng 19. Chủ đầu tư công trình chậm trễ thực hiện, thành phố sẽ kiên quyết xử lý. Tới đây, UBND quận Ba Đình sẽ ứng trước kinh phí để phá dỡ công trình này. Chúng tôi bảo đảm thực hiện kiên quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng: Người dân Bình Định chủ yếu sống bằng nghề biển. Người nông dân không sống được trên mảnh ruộng của mình, mỗi nhà làm nông đều phải chia đi 3 nơi làm thuê kiếm sống... Vừa qua, Bình Định bị hạn và xâm nhập mặn, cảng cá không vào bờ được phải di chuyển xuống phía Nam để bán cá. Tàu cá của ngư dân mỗi năm bị đâm chìm hàng chục chiếc, nhưng chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, trong khi mỗi tàu trị giá cả tỷ đồng. Cần có lực lượng hỗ trợ ngư dân trên biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Lê Đức Vinh: Việc quản lý hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế gây ra tình hình không tốt trong thời gian qua. Một phần do hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật và tiếng Hàn thiếu. Nhưng theo Luật Du lịch: Hướng dẫn viên phải có trình độ đại học mới được cấp giấy phép. Do đó, nhiều người có ngoại ngữ tốt lại chưa có bằng đại học không được phép làm hướng dẫn viên. Vì vậy, nên có chính sách đặc thù với tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch quốc tế; đồng thời, có quy chế quản lý người nước ngoài, hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động du lịch ở nước ta…
|
LÊ HOA