Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương...
Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Trong đó, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (QPAN) được xác định là một nội dung quan trọng, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
|
Tập bắn trên thao trường. Ảnh: N.Ngà |
Thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh cho biết, năm 2016, các Hội đồng Giáo dục QPAN trong tỉnh đã mở 56 lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho hơn 3.400 đối tượng A1, A2, A3, A4; mở 4 lớp bồi dưỡng QPAN cho 180 vị chức việc các tôn giáo; tổ chức 1 lớp tập huấn diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã... Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Cát Tiên và TP Đà Lạt là những địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QPAN cho tại địa phương.
Cũng trong năm qua, các trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giáo dục QPAN cho gần 46 ngàn học sinh, sinh viên. 29 trường THPT với 1.182 học sinh đã được tham gia bắn đạn thật kết quả đảm bảo yêu cầu và đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Ngoài ra, Trường Chính trị tỉnh cũng tổ chức lồng ghép giảng dạy môn Giáo dục QPAN với 10 lớp cho 815 cán bộ trung, cao cấp lý luận chính trị tham gia...
Công tác phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân được thực hiện hiệu quả thông qua các cơ quan báo chí, các đợt sinh hoạt lễ hội, giáo dục truyền thống và thông qua hệ thống báo cáo viên, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, việc cử cán bộ đối tượng A3 tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN tại Trường Quân sự tỉnh còn thấp. Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp chưa tổ chức cập nhật kiến thức cho các đối tượng đã qua bồi dưỡng kiến thức QPAN. Số lượng cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng A3, A4 của Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố chưa qua bồi dưỡng kiến tức QPAN còn nhiều. Việc chưa nắm rõ các đối tượng thuộc diện phải bồi dưỡng kiến thức QPAN tại các cơ quan, đơn vị nên việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế.
Liên quan tới vấn đề này, đồng chí Trần Duy Hùng - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng A1, A2 luôn được tỉnh quan tâm. Và, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho BTV Tỉnh ủy về công tác bồi dưỡng QPAN cho đối tượng A3, hoàn thành tốt chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao, cũng như kế hoạch của Hội đồng giáo dục QPAN của tỉnh đề ra.
Cũng theo đồng chí Trần Duy Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện cử cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức QPAN vẫn còn gặp nhiều vấn đề như: Vì đây là đối tượng lãnh đạo, quản lý nên một số cán bộ do yêu cầu công tác phải xin phép hoãn thời gian học sang các khóa sau; việc tổ chức học các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN vào cuối năm thường số lượng cán bộ tham gia không đạt chỉ tiêu, do công tác lãnh, chỉ đạo địa phương, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị theo kế hoạch năm đề ra...
Để công tác giáo dục QPAN ngày càng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, đồng chí Trần Duy Hùng cho rằng, năm 2017, công tác giáo dục bồi dưỡng kiến thức QPAN cần được triển khai toàn diện cho các đối tượng với nhiều hình thức phong phú; lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần nắm chắc số lượng cán bộ thuộc đối tượng A1, A2 chưa qua bồi dưỡng kiến thức QPAN để tổng hợp báo cáo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và BCHQS tỉnh để có kế hoạch cử đi bồi dưỡng. Đồng thời, các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên theo dõi và cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN; phải đảm bảo trong nhiệm kỳ công tác, mọi cán bộ mà đặc biệt là các đối tượng A2, A3 của tỉnh đều đăng ký và được tham gia bồi dưỡng kiến thức QPAN.
Ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh - đơn vị đầu mối trong việc thực hiện giáo dục kiến thức QPAN cho đối tượng học sinh nói: Hiện nay, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy môn GDQP còn hạn chế, chưa đảm bảo theo quy định. Chính vì vậy, sắp tới cần nâng cấp trang thiết bị giảng dạy môn GDQP, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này trong các nhà trường.
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận định: Công tác giáo dục QPAN là vô cùng quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã hội để cùng tham gia với lực lượng công an nói riêng và lực lượng vũ trang tỉnh nói chung đảm bảo ANCT, TTATXH tại địa phương. Theo đó, trong nhiều nhiệm vụ cần thực hiện, Công an tỉnh rất chú trọng tới việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục QPAN và chỉ đạo công an tại các phòng, ban, địa phương chủ động bám sát và xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp.
Cũng theo Đại tá Lê Hồng Phong, Công an tỉnh và BCHQS tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để làm tốt hơn công tác giáo dục QPAN, bảo vệ tốt chính trị nội bộ, giáo dục kiến thức QPAN cho các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần tăng thêm sức mạnh đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đảm bảo TTATXH...
Theo BCHQS tỉnh, thời gian tới, Hội đồng giáo dục QPAN các huyện, thành phố chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng A4 và chức việc tôn giáo. Tiếp tục khảo sát nắm chắc các đối tượng đã qua và chưa qua bồi dưỡng kiến thức QPAN để có kế hoạch bồi dưỡng. Đây là một trong những tiêu chí liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ.
Có thể nói, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục QPAN cần thường xuyên được chú trọng thực hiện, bởi đây là nhiệm vụ có tính chiến lược, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
NGỌC NGÀ