Thời gian qua, Di Linh đạt được những kết quả nổi bật trong công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Huyện đã chú trọng sắp xếp, đánh giá đúng thực trạng cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hóa...
[links()]
Bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hóa
(Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy Di Linh)
Thời gian qua, Di Linh đạt được những kết quả nổi bật trong công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Huyện đã chú trọng sắp xếp, đánh giá đúng thực trạng cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hóa...
PV: Thưa đồng chí, những kết quả quan trọng mà huyện Di Linh đã đạt được trong thời gian qua là gì?
|
Đồng chí Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy Di Linh |
Đồng chí Nguyễn Canh: Với quyết tâm chính trị rất cao, phát huy nội lực và khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, huyện Di Linh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân... Riêng trong năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và một số mô hình trồng rau, hoa ứng dụng khoa học - công nghệ cao đã được triển khai và mang lại hiệu quả. Chăn nuôi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, toàn huyện có trên 40 mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản mang lại hiệu quả cao. Huyện cũng tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống Nhân dân, nhất là đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm, huyện Di Linh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên 11/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điểm nổi bật của huyện trong thời gian qua là các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện có tất cả 51 dự án đầu tư ngoài ngân sách trên 6 lĩnh vực chính; trong đó, có 27 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Một số dự án đang được nhà đầu tư triển khai thực hiện như: Dự án bến xe Di Linh, thác Bobla, chăn nuôi bò sữa Organic của Vinamilk...
PV: Trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế thì những vấn đề nào được chú trọng và tập trung triển khai, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Canh: Huyện ủy luôn chú trọng và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và phát triển doanh nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 5 quỹ tín dụng, 21 hợp tác xã (HTX) và 30 tổ hợp tác đang hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải, CN-TTCN. Một số HTX tiêu biểu đã sáng tạo, chủ động nghiên cứu hợp tác, tìm kiếm thị trường, từng bước hình thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển. UBND huyện đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp; phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và HTX, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp. Trong năm qua, huyện Di Linh có 50 doanh nghiệp đăng ký mới với vốn đăng ký là 147 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện lên 417 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực với tổng vốn đăng ký là 967 tỷ đồng.
PV: Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thì đâu là điểm nổi bật của huyện Di Linh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Canh: Kết quả nổi bật nhất là công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Huyện ủy xác định công tác cán bộ là hết sức quan trọng nên đã chú trọng sắp xếp, đánh giá đúng thực trạng cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, bố trí và sử dụng cán bộ theo hướng trẻ hóa.
Sau khi có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Di Linh đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để đảm bảo đến năm 2021 giảm ít nhất 10% so với biên chế được giao năm 2015, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng đề án thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Khối Đảng - đoàn thể có 60/69 biên chế; các phòng ban chuyên môn thuộc huyện có 117/122 biên chế (giảm 5 biên chế). Huyện ủy Di Linh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, kế toán Huyện ủy kiêm kế toán Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, sáp nhập 2 cơ quan Đài TT-TH huyện với Trung tâm VH-TT huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Di Linh, sáp nhập Trường TH Tân Lâm I và Tân Lâm II thành Trường TH Tân Lâm; các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện xong việc phân công Ủy viên BTV Đảng ủy xã, thị trấn kiêm nhiệm các chức danh Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận và kết quả giảm được 57 người, có 18/19 xã, thị trấn đã bố trí công chức Văn phòng HĐND - UBND kiêm Văn phòng Đảng ủy xã, thị trấn. UBND huyện đã thực hiện chấm dứt các hợp đồng lao động tại các phòng, ban chuyên môn. Sắp tới, Huyện ủy cũng thực hiện chấm dứt các hợp đồng lao động thuộc Khối Đảng - Mặt trận và đoàn thể huyện.
|
Một số mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Di Linh. Ảnh: N.B |
PV: Năm 2019 là năm “nước rút” trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), vậy những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng thế mạnh của huyện là gì và theo đồng chí đâu là nhân tố mang tính giải pháp để tạo sự đột phá?
Đồng chí Nguyễn Canh: Trong lĩnh vực kinh tế, huyện chú trọng phát triển theo hướng bền vững, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tạo khả năng cạnh tranh cao các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Do đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa, bò thịt thì huyện cũng chú trọng xây dựng mã vùng trồng cà phê gắn với phát triển bền vững. Từ đó, tạo tiền đề phát triển các cơ sở chế biến, rang xay; đẩy mạnh phát triển thương hiệu Cà phê Di Linh. Hiện tại, đã có một số thương hiệu cà phê Di Linh được người tiêu dùng tại địa phương cũng như các tỉnh, thành phố tin dùng. Đây cũng chính là nhân tố mang tính giải pháp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện không đặt nặng về thành tích, mà mục tiêu là làm thay đổi, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Mặt khác, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các mô hình liên kết sản xuất được hình thành và phát triển bền vững, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả và bền vững... Ngoài những vấn đề nêu trên, trong năm 2019, huyện Di Linh đang tập trung các nguồn lực xây dựng các thôn, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, hoàn chỉnh các quy hoạch vùng huyện, rà soát triển khai các khu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch dân cư để tạo quỹ đất thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách. Ưu tiên các nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển thị trấn Di Linh tiệm cận tiêu chí đô thị loại IV và xã Hòa Ninh đạt tiêu chí đô thị loại V.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
(CÒN NỮA)
NDONG BRỪM (thực hiện)