Vẹn nguyên ký ức một thời hoa lửa

09:02, 15/02/2019

Cuộc chiến vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa 40 năm (17/2/1979 - 17/2/2019). Nhưng trong ký ức của những người lính, những chàng trai mười tám, đôi mươi khi ấy vẫn còn in đậm về một thời hoa lửa, sẵn sàng xông pha ra nơi tiền tuyến, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông...

Dọc đường hành quân. Ảnh tư liệu
Dọc đường hành quân. Ảnh tư liệu
Cuộc chiến vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa 40 năm (17/2/1979 - 17/2/2019). Nhưng trong ký ức của những người lính, những chàng trai mười tám, đôi mươi khi ấy vẫn còn in đậm về một thời hoa lửa, sẵn sàng xông pha ra nơi tiền tuyến, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông. Đánh dấu 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phóng viên Báo Lâm Đồng đã tìm gặp và ghi lại những ký ức của những người lính trong năm tháng sục sôi ấy.
 
* Đại tá Dương Công Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - Nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường
 
Tròn 40 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nghe lại lời kêu gọi tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào tháng 2/1979, trong lòng Đại tá Dương Công Hiệp lại xúc động, bồi hồi bởi những cảm xúc của một thời tuổi trẻ lại trỗi dậy.
 
Đó là những cảm xúc của chàng thanh niên mới 17 tuổi 2 tháng. Vào buổi sáng mùa xuân thức dậy, nghe đài phát thanh phát bản tin Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc mà hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng. Bởi hoa đào Đà Lạt vẫn còn đang nở, vậy mà ở biên giới, tiếng súng đã thay tiếng pháo xuân sang.
 
Mỗi bản tin quân Trung Quốc tấn công, giết hại nhiều đồng bào và chiến sĩ của ta được phát ra, trái tim của chàng trai trẻ Dương Công Hiệp lại nhói lên và lòng căm thù, sự quyết tâm trong lòng càng lớn. Anh Hiệp biết rằng, hơn lúc nào hết, ngay lúc này, mình cần phải có trách nhiệm vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vậy là cùng với rất đông thanh niên trong tỉnh, cậu học sinh Trường Trung học Y tế Lâm Đồng viết đơn tình nguyện ra chiến trường. “Chúng tôi lúc đó hừng hực khí thế, ai cũng muốn ngay lập tức được lên biên giới, chiến đấu với giặc cho thỏa nỗi hận thù. Nhưng để tổ chức chú ý, quan tâm cho mình ngay lập tức ra chiến trường thì phải làm cho những lá đơn trở nên đặc biệt: Chúng tôi viết đơn bằng máu.” - Đại tá Dương Công Hiệp chia sẻ.
 
Tháng 5/1979, Đại tá Hiệp chính thức nhập ngũ. Chiến tranh biên giới phía Bắc đã tạm lắng xuống, ông không có cơ hội trực tiếp đối mặt với quân thù, thay vào đó tham gia làm nhiệm vụ tại biên giới phía Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế - giúp nước bạn Campuchia. Trải qua 40 năm tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, từ một người chiến sĩ trở thành một người cán bộ trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Dương Công Hiệp vẫn luôn dặn mình gìn giữ và phát huy truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, mang tinh thần đó vào cả trong cuộc sống hôm nay. Bởi ông tin rằng, dù ở chiến trường nào, thời điểm nào, tinh thần và ý chí của những ngày mùa xuân năm 1979 vẫn là sức mạnh truyền cảm hứng lớn nhất để ông hoàn thành nhiệm vụ.
 
 “Tôi mong rằng, lực lượng trẻ sẽ mang tinh thần “Cả nước hành quân ra chiến trường” của 40 năm trước để lúc nào cũng hừng hực khí thế, sôi nổi, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay” - ông cho hay.
 
* Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi - Học viện Lục quân Đà Lạt: Đó là những ngày ác liệt và gian khổ
 
Là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979, trực tiếp chứng kiến những gian khổ, hy sinh của đồng đội, nên những ngày này hàng năm, Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi lại không tránh khỏi rơi nước mắt khi nhớ lại những năm tháng cũ.
 
Năm 1971, chàng sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội vừa mới tốt nghiệp lên đường nhập ngũ. Sau khi trải qua những ngày ở Quảng Trị rực lửa và tham gia giải phóng miền Nam, ông giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị. Cuối năm 1978, tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng nên ngày 15/1/1979, đoàn giáo viên của Trường Sĩ quan Chính trị được điều lên các tỉnh biên giới phía Bắc, cao điểm là Cao Bằng và Lạng Sơn để chỉ huy chiến đấu. Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi được phân về Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 851 của Sư đoàn 346 ở Cao Bằng. Theo kế hoạch, ngày 18/2, toàn bộ lực lượng được tăng cường cho đợt tết sẽ hết nhiệm vụ và trở về Hà Nội. Trong khi mọi người đang chuẩn bị hành lý thì sáng sớm ngày 17/2, Trung Quốc bắt đầu nổ súng.
 
Vậy là, cùng với toàn quân và dân, Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi nhận lệnh ở lại Cao Bằng, trực tiếp tổ chức chỉ huy chiến đấu với đơn vị. Đó là những ngày ác liệt, gian khổ nhưng vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời của ông. Bởi trong cuộc kháng chiến đó, ông thấy được sự hăng hái của lực lượng thanh niên là học sinh, sinh viên các trường dưới xuôi khi đào hầm hào chiến đấu cho bộ đội, dọc theo Quốc lộ 3 từ Thái Nguyên đến Cao Bằng; ông cũng thấy được tình yêu thương của bà con Cao Bằng khi nhiệt tình giúp bộ đội đào hầm hào, tiếp đạn cho bộ đội. Đó là những lực lượng hậu cần đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đơn vị ông giữ được vùng đệm, nhất định không lùi bước.
 
“Bằng ý chí, quyết tâm thực hiện mệnh lệnh của các sĩ quan chỉ huy, cùng sự hỗ trợ của bà con nhân dân tại địa phương, và sự hậu thuẫn của tuổi trẻ mà chúng tôi hình thành được hệ thống phòng thủ liên hoàn, làm cho quân địch không đánh xuống được nữa” - Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi nhớ lại. 
 
Trong trí nhớ của ông, có những hình ảnh không bao giờ quên được, như những ngày tháng 2 rét buốt, cả đoàn gần 30 người phải vượt sông Bằng Giang trong đêm để thoát vòng vây của địch mà trong miệng phải ngậm tăm để không phát ra tiếng ồn; hay trong những đợt huy động, có những học sinh, sinh viên viết đơn ra trận mà không còn cơ hội để về nhà. Trong những năm tháng ác liệt, nhọc nhằn đó, ông đã chứng kiến sự hy sinh của 13 đồng đội. Người đàn ông đã gần 70 tuổi vẫn rơi những giọt nước mắt khi nhớ về khoảnh khắc đó, để biết rằng đã có những người bị thương, hy sinh, có những người không tìm thấy xác, để biết quý trọng hơn mỗi phút giây được sống trong hòa bình hôm nay.
 
Kết thúc những hồi ức về chiến tranh, Đại tá Nguyễn Mạnh Hồi đã nói rằng: “Chiến tranh bao giờ cũng mất mát, nên tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ chẳng bao giờ phải trải qua nhưng năm tháng ấy. Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, nên chúng ta phải xây dựng đầy đủ sức mạnh để bảo vệ hòa bình”.
 
* Nhà báo - CCB Mạc Do Hùng: Chưa giây phút nào tôi quên những khuôn mặt đồng đội
 
Cựu chiến binh (CCB) Mạc Do Hùng mở đầu câu chuyện về những năm tháng tham gia cuộc chiến chống quân xâm lược tại biên giới phía Bắc đầy gian khổ, khốc liệt năm 1979 rằng: “Tôi đã chết sững khi chứng kiến thị xã Cao Bằng lúc ấy. Hoàn toàn là một đống đổ nát, không còn một ngôi nhà, góc phố nào còn nguyên vẹn. Tất cả anh em chúng tôi đều không thể diễn tả được cảm xúc của mình, đau đớn, uất nghẹn, bàng hoàng. Một thị xã biên giới nhỏ nhắn, xinh xắn đã trở thành một thành phố chết với đúng nghĩa đen”. Chàng lính gốc Quảng Ngãi vốn chỉ biết Cao Bằng qua những bài thơ, những bức hình, những đoạn phim trên vô tuyến đã sững sờ khi thấy một thị xã đổ nát hoàn toàn bởi bom đạn quân thù.
 
Mùa hè năm 1979, Quân đoàn 7 được rút từ chiến trường K (Campuchia) về chi viện cho biên giới phía Bắc. Người chiến binh Mạc Do Hùng theo chân trung đoàn pháo binh của quân đoàn chia lửa cho Cao Bằng. Là trinh sát pháo nên ông có nhiệm vụ đi chuẩn bị cho các trận địa. Khi ấy, tiếng súng bộ binh đã ngớt, thay vào đó là những đợt pháo kích triền miên từ những mỏm đồi bên kia biên giới dội sang. Ông Hùng kể, đơn vị pháo của ông đóng quân ở Trùng Khánh, huyện biên giới của Cao Bằng. Trận địa pháo được giấu rất kín, anh em trinh sát thì thay nhau lên chốt nằm để thực hiện nhiệm vụ. Trực trên chốt là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần một chút sơ hở, một làn pháo vu vơ của địch dội đến là người lính sẽ ngã xuống. Ông Hùng nhớ lại, mùa đông Cao Bằng năm 1979 là mùa đông lạnh và dài nhất trong cuộc đời ông. 
 
Mùa đông năm đó ở Cao Bằng xuống tới 2oC, giá buốt như từ trong xương thịt chui ra. Bữa ăn của người lính khẩu phần quá nửa là hạt bo bo, đừng nói tới chất đạm. Lên nằm chốt thì chỉ có vài phong lương khô và bình tông nước, mỗi lần uống vào là buốt tận ruột gan. Lạnh như băng, lạnh như khuôn mặt của Lâm, cậu lính trẻ người Hải Dương hy sinh ngay trên vị trí quan sát và bản thân ông Hùng cùng 3 đồng đội bị sập hầm, ngất lịm giữa một cơn mưa pháo. Đói rét, khổ sở, hy sinh nhưng tinh thần của những người lính vẫn vững vàng, vững chắc trên mâm pháo với tinh thần quyết chiến bảo vệ mảnh đất biên giới quê hương. Thỉnh thoảng cũng có vài niềm vui nhỏ bé như người đồng đội quê Hải Phòng được gia đình gửi lên cho túi thuốc lá cuốn, thứ lá thuốc tự trồng, tự sấy vàng ươm. Anh em xúm lại chia nhau từng nhúm sợi thuốc, từng mảnh giấy báo để cuốn thành điếu, hút với nhau trong những đêm biên giới tĩnh lặng, giá băng. Hay những ngày có chút nắng, người lính trận tranh thủ tự cắt tóc cho nhau bằng đầu lê được mài sắc, rủ nhau xuống suối tắm gội cho bõ những ngày trên chốt... 
 
Theo chân bộ đội, đẩy lùi quân địch tới đâu, những người dân thị xã Cao Bằng tản cư chạy giặc trở về ngôi nhà cũ. Nhưng trước mặt họ chỉ còn là những dãy phố đổ nát. Xếp lại gạch, tìm miếng giấy dầu lợp tạm, họ cố gắng dựng lại nếp nhà tạm bợ để trú ngụ. Đám trẻ con thì đứa có áo thiếu quần, đứa có quần không có áo giữa những cơn gió mùa lạnh buốt. Ông Hùng bảo, lính đã thiếu, bà con còn thiếu hơn. Anh em toàn để dành khẩu phần lương khô cho bọn trẻ con, mắt bọn trẻ sáng lên nhận miếng lương khô của chú bộ đội, quý hơn bất kỳ món quà nào khi ấy. Cái tình quân dân giữa cuộc chiến tuy sẻ chia những thứ tưởng nhỏ nhoi nhưng khi ấy quý hơn vàng. 
 
Có qua chiến tranh mới biết giá trị của hòa bình, ông Mạc Do Hùng tâm niệm sau 40 năm cuộc chiến rời xa. Những người đồng đội cũ người còn sống, người đã mất. Ông Hùng làm báo, làm thơ và trong những tác phẩm ấy vẫn vương vấn những ký ức một thời khói lửa. Ông bảo, những khuôn mặt đồng đội tuổi 18, đôi mươi, trẻ trung và nồng nhiệt trên chiến trường biên giới năm 1979 ấy sẽ không bao giờ mờ phai trong trí óc của ông, dẫu người lính ấy đã rời cây súng.
 
* Nhà báo Nguyễn Thanh Nhân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng: Trong dòng máu mỗi người thắp lên hai tiếng Tổ quốc
 
Ký ức về chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 trong nhà báo Nguyễn Thanh Nhân là ký ức của một lớp trẻ mới lần đầu thẩm thấu 2 từ cách mạng, đã biết sống, làm việc, suy tư bằng dòng máu nóng, chân thật, tự nguyện. Đó là ký ức của trang giấy trắng đầy những dòng chữ viết bằng máu chảy ra từ trái tim.
 
Trong tâm trí của ông vẫn nhớ rõ rằng, đó là những ngày mùa xuân vừa trôi qua. Tiếng súng vọng về từ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Tin dữ dội về từ biên giới phía Bắc với hai chữ đen in đậm trên trang nhất của hàng loạt tờ báo: “Chiến tranh...”.
“Chúng tôi như nuốt trọn từng lời trong bản tin thời sự đầy máu và nước mắt. Những khuôn mặt rám nắng căng tràn nỗi uất ức, đau thương trào lên khóe mắt” - ông bồi hồi nhớ lại.
 
Đêm hôm ấy, đêm tối đen. Lực lượng Thanh niên xung phong Tây Đà - đóng quân ở Tà Nung tập trung tâm trí lắng nghe tin tức từ một chiếc radio nhỏ. Lệnh tổng động viên được đưa ra. Trong góc nhỏ của lán trại, người Tiểu đội trưởng chích máu viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Việc làm lặng lẽ đó như con sóng nhỏ làm bùng lên hàng ngàn làn sóng lớn. Cả đơn vị Thanh niên xung phong, bất kỳ nam hay nữ, đều đồng thanh hưởng ứng làm đơn xin đi chiến đấu.
 
Hàng chục lá đơn viết bằng máu, những giọt máu đỏ tươi thấm dần trang giấy trắng, góp vào hàng ngàn lá đơn tình nguyện của thanh niên Đà Lạt. Tên tuổi những người thanh niên trẻ in hằn trên những lá đơn đầy nhiệt huyết ấy.
 
Và hàng trăm thanh niên Đà Lạt đã lên đường tòng quân.
 
Dù không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc vào tháng 2/1979, nhưng đối với nhà báo Nguyễn Thanh Nhân, đó vẫn là dấu mốc đáng nhớ trong thời thanh xuân của ông - một thời khốc liệt, đau thương nhưng đáng tự hào, bởi mỗi người trong dòng máu đều tự thắp sáng lên hai tiếng dân tộc, Tổ quốc. 
 
“Có đi qua chiến tranh mới thấy quý biết bao ngày hòa bình. Thuở ấy, có một ai nghĩ đến cái riêng mình. Có những con người vừa mới biết yêu, đã phải nói lời tạm biệt. Tất cả góp sức mình để viết nên điều kỳ diệu. 40 năm trôi qua nhưng ký ức 1979 vẫn vẹn nguyên ở đấy, để mỗi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, chán ngán, lại dựa vào ký ức để lấy lại thăng bằng, lấy lại điểm tựa để sống, làm việc cho xứng đáng với một thời” - nhà báo Nguyễn Thanh Nhân chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH - DIỆP QUỲNH lược ghi