Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người khởi viết lần đầu tiên vào ngày 15/5/1965 cho đến lần cuối cùng vào ngày 10/5/1969. 50 năm qua kể từ ngày "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" (Thơ: Theo chân Bác, Tố Hữu) - khi dân tộc ta, Nhân dân ta và bạn bè thế giới vô cùng thương tiếc vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tư tưởng và những di sản vô cùng quý giá mà Người để lại - Một kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, một thời đại mới...
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người khởi viết lần đầu tiên vào ngày 15/5/1965 cho đến lần cuối cùng vào ngày 10/5/1969. 50 năm qua kể từ ngày “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Thơ: Theo chân Bác, Tố Hữu) - khi dân tộc ta, Nhân dân ta và bạn bè thế giới vô cùng thương tiếc vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tư tưởng và những di sản vô cùng quý giá mà Người để lại - Một kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, một thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh chói ngời trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại bản Di chúc thiêng liêng mãi mãi dẫn dắt chúng ta đi tiếp con đường mà Người lựa chọn, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi vinh quang.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu |
Nội dung Di chúc của Người là sự kết tinh của lý tưởng cộng sản và niềm tin sắt đá vào lý tưởng cao đẹp ấy, của tình cảm cách mạng sâu sắc, và trí tuệ cách mạng sáng suốt, của lương tâm trong sạch và lối sống thanh cao, của lòng yêu nước thương dân và tinh thần quốc tế vô sản. Không chỉ vậy, trong 5 thập niên qua, các nhà khoa học về tổ chức và xây dựng Đảng, các nhà sử học, các nhà khoa học xã hội trong và ngoài nước đều đồng thuận một kết luận: Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: «Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác... Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của Nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Là một chiến sĩ trong phong trào Cộng sản Quốc tế, người tổ chức, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn xác định vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề then chốt, quyết định sự thành bại của cách mạng. Để khẳng định vị trí, vai trò ấy, theo Người: Phải có sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; Phải thực hành dân chủ rộng rãi; Phải thực hiện tự phê bình và phê bình; Yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng. Trong 4 yếu tố có mối quan hệ hữu cơ mật thiết đó, đoàn kết được đặt lên hàng đầu và là vấn đề gốc rễ. Để có sự đoàn kết, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Tính cương lĩnh về công tác xây dựng Đảng trong Di chúc thể hiện trước tiên “là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”... Lời di huấn của Người đến nay vẫn nguyên tính thời sự, bởi Đảng không thể mạnh nếu nội bộ mất đoàn kết, nếu không được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đảng không thể mạnh nếu những sai lầm khuyết điểm của tổ chức Đảng và mỗi đảng viên không được phê phán để sửa chữa vươn lên, nhất là về lối sống và đạo đức làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân và làm giảm uy tín của Đảng.
Xây dựng, củng cố và tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm lớn lao của toàn thể cán bộ, đảng viên, trước hết là của những cán bộ chủ chốt. Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết thống nhất mới đảm bảo sự lãnh đạo, đủ sức lái con thuyền cách mạng cập bến bờ thắng lợi. Muốn thực hiện điều này, thiết nghĩ Đảng phải: Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội; Phát huy cao độ các nguyên tắc trong lãnh đạo và trong sinh hoạt Đảng như tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tập trung dân chủ... nhằm giải quyết những ý kiến khác nhau trong xã hội về nhiều vấn đề, không để phát triển thành những bất đồng, xung đột cá nhân và xung đột xã hội; Phải quan tâm xây dựng đường lối, chính sách đúng, có cơ chế tổ chức quản lý, quy chế làm việc rõ ràng, phong cách làm việc dân chủ, kiên quyết chống bệnh quan liêu, gia trưởng... Đặc biệt, cán bộ và đảng viên phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là câu Người suy ngẫm hàng năm và bổ sung vào năm 1966. Một câu ngắn song biểu hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân văn. Phải nhân văn mới biết yêu thương con người nếu không mọi sự đoàn kết chỉ là hình thức và “dân chủ”, “phê bình và tự phê bình” đều trở thành dối trá, mỵ dân...
Lời kêu gọi đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử đã được Đảng ta, đất nước ta và toàn dân ta biến thành kim chỉ nam hành động, thành cơ sở xây dựng đường lối, chính sách nhằm đưa đất nước sớm tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiện nay, đất nước không chỉ phải đối mặt với “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà chủ yếu còn phải đấu tranh với quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” do tác động nguy hại của chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng và đẩy lùi quốc nạn tham nhũng là điều cấp thiết mà Đảng ta đã và đang tiến hành quyết liệt.
Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng (1930-2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 BCHTW Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng nhằm thực hiện thành công ý nguyện của Người là bảo vệ vững chắc Tổ quốc, sớm “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với bè bạn năm châu”.
LAN HỒ