Gặp lại những quân nhân tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc: Họ vẫn sẵn sàng chiến đấu cho Tổ quốc độc lập hòa bình

09:02, 17/02/2019

Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc nước ta kéo dài 10 năm (2/1979 đến 9/1989) với 11.000 chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những ngày tháng 02 này, cả nước cùng hướng về sự kiện lịch sử bi tráng này, tôi đến Học viện Lục quân (HVLQ) Đà Lạt để tìm gặp những chiến sĩ từng tham gia cuộc chiến tranh cùng tưởng niệm về một thời đã qua.

Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc nước ta kéo dài 10 năm (2/1979 đến 9/1989) với 11.000 chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Những ngày tháng 02 này, cả nước cùng hướng về sự kiện lịch sử bi tráng này, tôi đến Học viện Lục quân (HVLQ) Đà Lạt để tìm gặp những chiến sĩ từng tham gia cuộc chiến tranh cùng tưởng niệm về một thời đã qua.
 
Các cán bộ chiến sĩ tại điểm tựa Vị Xuyên, Hà Giang tháng 01/1988 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Các cán bộ chiến sĩ tại điểm tựa Vị Xuyên, Hà Giang tháng 01/1988 (ảnh do nhân vật cung cấp)

Lần theo giới thiệu của đại tá Nguyễn Xuân Hùng-Trưởng Ban viết sử của HVLQ, tôi biết ở cơ sở đào tạo sĩ quan quân đội cao cấp này có rất nhiều chiến sĩ từng tham gia các mặt trận biên giới phía Bắc năm xưa. Đó là các sĩ quan cao cấp như Nguyễn Nguyên phụ trách công tác Đảng; Vũ Văn Minh, Phó chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương; Vũ Xuân Quế, Chủ nhiệm Chính trị của HVLQ đã nghỉ hưu…Rất nhiều nhưng tôi chỉ gặp được 02 vị đại tá hiện đang tiếp tục đứng bục giảng đào tạo các sĩ quan tại Khoa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Thùy, sinh năm 1962, quê tỉnh Bắc Giang, Phó chủ nhiệm Khoa; Nguyễn Trường Sơn, sinh năm 1965, quê Mĩ Đức, Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa. 
 
Địch đánh vào tận thị xã Lạng Sơn 
 
Đại tá Nguyễn Văn Thùy
Đại tá Nguyễn Văn Thùy
Nguyễn Văn Thùy nhập ngũ tháng 10/1978, đóng quân ở làng Nà Táng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, là lính thông tin. Ngày nổ ra cuộc chiến tranh (17/2/1979), đơn vị anh chuyển đến làng Pò Háng, cách biên giới chỉ 5-6km. Đó là tiểu đoàn 3, trung đón 460, sư đoàn 338, quân đoàn 4. Đại tá Thùy nhớ lại: “Khi chúng tôi lên, bắt tay ngay vào xây dựng công sự, đào hầm hào, sau đó làm những căn nhà chìm dưới lòng đất. Anh em xuống suối tìm gỗ và lấy măng rừng làm thức ăn với bo bo xay làm lương khô…Sáng 17/02, Trung Quốc bắn pháo sang nhưng công sự của ta mới nên hầu như không ảnh hưởng gì…Có một kỉ niệm, hôm đó vào buổi tối, nếu bây giờ nghĩ lại chắc là không dám đi. Một mình tôi mang hai cái cái máy, phía trước và phía sau, đi từ tiểu đoàn sang đại đội 11, cách nhau 9,10 cây số trong đêm sát đường biên giới…”. 
 
Anh Thùy kể tiếp: Những ngày sau, Trung Quốc nả pháo và DKZ sang làm sập nhiều công sự, quân ta hi sinh khá nhiều. Trung đội trưởng bị thương, đồng chí Lý Trung Phẩm cõng cứu nên được phong Anh hùng…Đơn vị đóng gần cửa khẩu nhưng anh Thùy cho biết cũng may mắn không khốc liệt như các điểm khác ở Lạng Sơn. 
 
Hồi đó, tại mặt trận Lạng Sơn , Trung Quốc đã sử dụng 3 quân đoàn dự bị, 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm nhiều mũi tiến công vào địa phận của Việt Nam như Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng, thị trấn Đồng Đăng. Hướng tiến công chủ yếu của địch nhằm mục tiêu vào thị xã Lạng Sơn, đồng thời triển khai các mũi vu hồi đánh vào Lộc Bình, Tràng Định, Đình Lập nhằm thu hút và chia cắt lực lượng ta. Theo công bố chính thức, Lạng Sơn đã loại khỏi vòng chiến 19.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự. Để lập nên chiến công này, quân dân Lạng Sơn cũng đã phải chịu hy sinh to lớn: Sư đoàn 3 hy sinh và bị thương gần 1.500 cán bộ chiến sĩ; Sư đoàn 337 hy sinh 650 cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn 338 hy sinh 260 cán bộ chiến sĩ, Trung đoàn 197 hy sinh và bị thương 168 cán bộ chiến sĩ…20 cá nhân và 14 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Quân đoàn 5 được mang danh hiệu “Binh đoàn Chi Lăng”, Sư đoàn 337 được tặng danh hiệu “Sư đoàn Khánh Khê”. Cá nhân anh Thùy được Bằng khen của Chủ tịch nước vì những thành tích thông tin hữu tuyến và vô tuyến. Tháng 4/1979, Nguyễn Văn Thùy được kết nạp Đảng, sau đó được cử đi học Học viện Chính trị, trưởng thành như ngày hôm nay. 
 
Khốc liệt Vị Xuyên, Hà Giang 
 
Đại tá Nguyễn Trường Sơn
Đại tá Nguyễn Trường Sơn
Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang dai dẳng chiến tranh trong nhiều năm. Có những thời điểm rất khốc liệt, nhất là bình độ 400, không đâu ác liệt bằng. Trong một đêm 12/7/1984, có tới 600 bộ đội ta hy sinh, 1.200 người bị thương. Giai đoạn 1984-1989, chủ yếu tại mặt trận Vị Xuyên – Yên Minh, Trung Quốc đã bắn vào lãnh thổ Việt Nam hơn 1,8 triệu quả đạn pháo cối, ngày cao điểm nhất hơn 60.000 quả. Đây là mặt trận chiến sĩ Nguyễn Trường Sơn tham gia. Anh nhập ngũ năm 1983, có mặt vào tháng 4/1987, là trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 9, tiểu đoàn 3, trung đoàn 141, sư đoàn 312, quân đoàn 1. Nguyễn Trường Sơn tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 được điều động lên biên giới. Điều thú vị là, những ngày này, bố của anh (đại úy Nguyễn Quang Khải, bác sĩ viện Quân y 6, quân khu II) cũng đang phục vụ chiến trường chiến tranh biên giới phía Bắc. 
 
Mặt trận Vị Xuyên hàng năm thay đổi quân vì tính chất khốc liệt nơi đây. Thời điểm sư đoàn anh Sơn pháo kích Trung Quốc bắn sang rất nhiều còn ta tránh khiêu khích. Đơn vị tập trung vận chuyển bê tông lên để củng cố chiến lũy và đạn dược sẵn sàng chiến đấu. Ô tô chỉ chở đến lưng chừng núi, chiến sĩ khiêng lên trong đêm tối và dốc đá rất hiểm trở. Đồng đội hi sinh ngay khi vận chuyển. “Riêng trung đội của tôi có chiến sĩ Nguyễn Văn Thuật quê ở Thanh Hóa bị trúng pháo kích của địch hi sinh đúng đêm tết dương lịch, 01/01/1988”, đại tá Nguyễn Trường Sơn kể. Bản thân Nguyễn Trường Sơn cũng suýt chết. Lợi dụng sương mù, quân ta vận chuyển ban ngày, nhưng đến khoảng trống sương mù tan, địch phát hiện nả pháo sang ngay, rất may anh và đồng đội thoát kịp xuống hào tránh đạn. Gần đó là ngã ba thị trấn Thanh Thủy, có cửa khẩu, đạn pháo Trung Quốc cày nát, người dân Việt Nam di tản vào sâu cách 10 km…Anh Sơn cũng nhắc đến người bạn học trường Lục quân, quê Lạng Sơn, nay là đại tá Hà Quang Vinh, tham mưu phó Quân khu I có mấy người trong gia đình bị quân Trung Quốc tàn sát hết. 
 
Vì tính chất khốc liệt, quân ta di chuyển ban ngày lợi dụng sương mù hoặc men theo núi che khuất, ban đêm tuyệt đối không dùng đèn, bí mật mò mẫm. Ở ngã ba Thanh Thủy, cứ 5 phút địch bắn từng tràng đạn cầm canh một lần. Năm 1988, Nguyễn Trường Sơn rời Vị Xuyên. Tháng 11/2018, kỉ niệm 30 năm, anh trở lại chiến trường xưa, đồng đội còn phải rà phá bom mìn hàng ngày. Anh nói: “Hậu quả chiến tranh dai dẳng, người dân bây giờ về làm ăn nhưng thỉnh thoảng trâu bò lại bị vướng mìn đạn, còn rất nhiều”. Ngoài căn bệnh sốt rét, Nguyễn Trường Sơn  trở về còn khoe với tôi tấm ảnh kỉ niệm cùng đồng đội tại chốt tiền tiêu được đoàn lên thăm chụp vào tháng 1/1988. Các anh đứng quanh một tảng đá lớn bên chốt, trên tảng đá có dòng chữ: “Tăng chuyến tăng hàng phục vụ điểm tựa”. Đó là mệnh lệnh của người lính hôm nào, tôi luyện chiến sĩ Nguyễn Trường Sơn để bây giờ là vị đại tá, chủ nhiệm khoa của một cơ sở đào tạo quân sự hàng đầu của quân đội ta.   
              
MINH ĐẠO