Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận tham dự đầu cầu Lâm Đồng

11:02, 22/02/2019

(LĐ online) - Sáng ngày 22/2/2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217 – 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam. 

(LĐ online) - Sáng ngày 22/2/2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217 – 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam. Hội nghị với sự tham dự của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí  Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo đại diện Quốc hội, Chính phủ, các Ban xây dựng Đảng, các bộ, ban ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của thành phố Hà Nội và 2.779 đại biểu từ 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
 
Tại đầu cầu Lâm Đồng được tổ chức tại hội trường Chi nhánh Viettel Lâm Đồng – 16B Phan Chu Trinh, thành phố Đà Lạt, với sự tham dự của đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí K’Mak - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tình; đồng chí Phan Văn Đa -Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Thành Được – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cùng đại diện lãnh đạo UBMTTQ 06 huyện thành phố Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông; đại diện 5  tổ chức chính trị - xã hội và đại diện một số MTTQ phường, xã của thành phố Đà Lạt. Tại đầu cầu Bảo Lộc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh Đường Anh Ngữ và lãnh đạo UBMTTQ 6 huyện thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát  Tiên, lãnh đạo thành phố Bảo Lộc và MTTQ một số phường, xã của thành phố Bảo Lộc cùng tham dự.
 
Các đại biểu đầu cầu Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 05 năm thực hiện quyết định 217- 218 của Bộ Chính trị. Ảnh: N.Thu
Các đại biểu đầu cầu Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 05 năm
thực hiện Quyết định 217- 218 của Bộ Chính trị. Ảnh: N.Thu

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Quyết định 217, 218 được xem là cơ sở cần thiết, quan trọng để cụ thể hóa quyền, trách nhiệm về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và NQLT số 403 năm 2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nhờ có cơ chế khá đầy đủ, toàn diện, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt; vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên.… đây là dịp để các đại biểu cùng thảo luận về sự phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Những vấn đề đặt ra trong vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam, và việc nêu cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên.
 
Sau khi Quyết định 217 – 218 của Bộ Chính trị được ban hành năm 2013, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành, phối hợp, đề xuất với các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong hệ thống MTTQ. Đặc biệt, trong các văn kiện đại hội đại biểu các tổ chức chính trị - xã hội đều thể hiện đậm nét nhiệm vụ giám sát, phát biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Chủ động triển khai các nội dung nhằm tăng cường vai trò của MTTQ, các đoàn thể, Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến” “Tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, quyết định quy định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng  Đảng, chính quyền. Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành ban hành quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu với nhân dân, trong đó có Lâm Đồng đã làm tốt việc này.
 
Qua 05 năm thực hiện, các cấp cơ sở đã giám sát được trên 492 ngàn cuộc cấp tỉnh, trên 466 ngàn cuộc cấp xã. Ban Thanh tra Nhân dân ở 63 tỉnh, thành đã tiến hành giám sát trên 189 ngàn cuộc từ 2014 – 2018, thu hồi tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát trên 173 ngàn cuộc,  thu hồi trên 11 tỷ đồng…các nội dung giám sát đã bám sát vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, nhiều tiếp thu, phản hồi sau giám sát được cơ quan chức năng thực hiện, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
 
Theo đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị Quốc hội trong thời gian tới nghiên cứu ban hành Luật về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, Luật về hoạt động dân chủ ở cơ sở, xem xét đưa quy trình phản biện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành khâu bắt buộc trong quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ,  ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm Quyết định 217 – 218, đồng thời nghiên cứu ban hành văn bản quy định trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến và trả lời sau giám sát, sau phản biện, trong đó có chế tài cụ thể đối với những hành vi của các tổ chức không trả lời…
 
 
Các đại biểu đầu cầu Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 05 năm thực hiện quyết định 217- 218 của Bộ Chính trị. Ảnh: N.Thu
Các đại biểu đầu cầu Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc
về sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định 217- 218 của Bộ Chính trị. Ảnh: N.Thu

Nguyệt Thu