Đầu xuân trò chuyện với các bí thư huyện, thành (bài 8)

08:02, 26/02/2019

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho thấy, huyện Ðạ Huoai đang tiếp tục đà tăng trưởng, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. 

[links()]
Chú trọng chỉnh trang đô thị huyện cửa ngõ và phát triển sầu riêng công nghệ cao
(Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Qúy Mỵ, Bí thư Huyện ủy Ðạ Huoai)
 
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho thấy, huyện Ðạ Huoai đang tiếp tục đà tăng trưởng, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Trong năm 2019, huyện Ðạ Huoai đang tập trung với tinh thần và quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra trong năm; trong đó, chú trọng chỉnh trang, phát triển đô thị huyện cửa ngõ và phát triển sầu riêng công nghệ cao.
 
PV: Thưa đồng chí, Đạ Huoai là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh, những năm qua, địa phương không ngừng tập trung phát triển hạ tầng đô thị. Vậy trong năm 2019, công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị sẽ được địa phương tập trung thực hiện như thế nào?
 
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ, Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ,
Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ: Nhìn một cách toàn diện, những năm qua, huyện Đạ Huoai đã phát triển nhiều công trình hạ tầng theo quy hoạch và đến nay cả 2 thị trấn (thị trấn Mađaguôi và thị trấn Đạ M’ri) đã được công nhận đô thị văn minh. Trong đó, thị trấn Mađaguôi là trung tâm đô thị của huyện và cũng là cửa ngõ phía Nam của tỉnh. Với hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư trong nhiều năm, Đạ Huoai đã tập trung xây dựng hàng trăm công trình lớn, nhỏ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, giao thông và thương mại, dịch vụ...
 
Hiện nay, cơ sở hạ tầng về đường giao thông, điện chiếu sáng được thiết lập ở hầu hết các khu nội thị. Song song đó, huyện đã hoàn thành việc đặt tên đường nội thị và gắn biển số nhà toàn bộ khu vực thị trấn Mađaguôi và thị trấn Đạ M’ri. Cùng với đó, các công trình trọng điểm như Chợ Mađaguôi, Nhà máy nước thị trấn Mađaguôi, Dự án nâng cấp Quốc lộ 20 (đoạn qua huyện Đạ Huoai), Đài Tưởng niệm liệt sỹ... đã đẩy nhanh tốc độ “đô thị hóa” của địa phương. Riêng trong năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng của địa phương là hơn 670 tỷ đồng; trong đó, có 161 tỷ đồng được Nhà nước đầu tư và 510 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa. Cùng với đó, hàng loạt tuyến đường trung tâm ở khu vực nội thị được mở rộng để sắp xếp lại các khu dân cư. Ước tính, thị trấn Mađaguôi đang có khoảng 650 điểm kinh doanh dịch vụ; trong đó, có gần 30 dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ); 163 dịch vụ ăn uống giải khát; 60 dịch vụ vận tải, kho bãi; 306 dịch vụ thương nghiệp; 89 dịch vụ sửa chữa và 22 điểm dừng chân trên Quốc lộ 20 để phục vụ cho khách du lịch.
 
Trong năm 2019, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị Đạ Huoai xứng tầm “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh. Trong đó, chú trọng thực hiện 4 công trình trọng tâm, gồm: Nâng cấp các hệ thống trục đường giao thông nội thị thị trấn Mađaguôi; Dự án chợ và khu phố chợ thị trấn Đạ M’ri; Quảng trường huyện Đạ Huoai; đường giao thông từ Quốc lộ 20 vào xã Đạ P’Loa và hồ thủy lợi Đạ Tràng.
 
PV: Được biết, với Nghị quyết Chuyên đề giai đoạn 2016-2020, huyện Đạ Huoai chú trọng “Việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT và nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích để tăng thu nhập cho người dân” được xem là một trong 2 khâu “đột phá”. Vậy, điều đó đã được thực hiện như thế nào thưa đồng chí Bí thư?
 
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ: Đạ Huoai là huyện thuần nông, kinh tế của người dân dựa vào nông nghiệp là chính. Theo đó, cây điều được xem là cây trồng chính, còn sầu riêng là cây trồng chủ lực. Vì vậy, việc ứng dựng khoa học kỹ thuật (KHKT) tiên tiến vào sản xuất được được xem là khâu “đột phá” để tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
 
Những năm qua, song song với công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp như đưa các giống điều ghép vào trồng thay thế các giống điều già cỗi; chuyển đổi đưa các giống sầu riêng ghép chất lượng cao thay thế cho các giống sầu riêng hạt năng suất thấp; phát triển cây dâu tằm thay thế cây mía hay cải tạo đàn bò... thì huyện Đạ Huoai đã đầu tư nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất trong các khâu cải tạo giống; chăm sóc, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch để bà con học hỏi nhân rộng. Huyện đã hỗ trợ giống, vật tư để người dân thâm canh cây điều, thâm canh cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, việc áp dụng KHKT vào sản xuất trên địa bàn huyện đã có những bước tiến khá vững chắc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Đối với cây sầu riêng, nhờ việc áp dụng KHKT vào sản xuất đã đưa năng suất sầu riêng chung của toàn huyện trong năm 2018 đạt gần 12 tấn/ha; trong đó, có gần 155 ha được người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với việc áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, thậm chí có những vườn đã đạt mức trên 35 tấn/ha. Cùng với đó, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 300 ha đất trồng mía ở các xã phía Nam như Đạ Tồn, Đạ Oai, Mađaguôi sang trồng các giống dâu lai, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Như vậy, việc thâm canh sầu riêng ghép hay chuyển đổi đất trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm được xem là bước “đột phá” quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm xuống còn 1,37% trong năm 2018 (vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2020 là dưới 2%).
 
Sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao của huyện Đạ Huoai. Ảnh: K.Phúc
Sầu riêng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao của huyện Đạ Huoai. Ảnh: K.Phúc

PV: Sầu riêng là cây trồng chủ lực của địa phương và hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” vào ngày 26/6/2016. Vậy theo đồng chí Bí thư, Đạ Huoai tiếp tục làm những gì để khẳng định giá trị thương hiệu của sầu riêng trên thị trường?
 
Đồng chí Nguyễn Quý Mỵ: Đúng vậy! Sầu riêng là cây trồng chủ lực đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã phần nào chứng minh cho điều đó. Tuy nhiên, việc xây dựng và khẳng định thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” trên thị trường được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đạ Huoai xác định là một quá trình lâu dài. Theo đó, địa phương đã và đang chú trọng thực hiện nhiều giải pháp đồng độ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sầu riêng.
 
Hiện, toàn địa phương đang có hơn 2.700 ha sầu riêng các loại; trong đó, có 1.950 ha đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch năm 2018, tổng sản lượng sầu riêng của toàn huyện đạt khoảng 25.000 tấn; trong đó, sầu riêng ghép chất lượng cao các giống (Mong Thong, Ri6, Đô Na) đạt khoảng 18.500 tấn, năng suất bình quân đạt khoảng 11,8 tấn/ha. Theo đó, trong năm 2018, cây sầu riêng đã mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho người dân địa phương, chiếm hơn 40% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Điều đó cho thấy, cây sầu riêng có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và luôn được địa phương chú trọng đầu tư để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất sầu riêng ở Đạ Huoai vẫn còn thiếu tính liên kết, nên còn tình trạng người dân bị tiểu thương ép giá trong mùa thu hoạch; công tác bảo quản, chế biến sầu riêng sau thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
 
Như vậy, để năng suất, chất lượng trái sầu riêng ngày càng được nâng cao và khẳng định được giá trị thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” trên thị trường, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng mở rộng, hoàn thiện quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sầu riêng. Trước mắt, địa phương đang quy hoạch vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 300 ha và xa hơn nữa sẽ tiến tới phát triển sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (theo tiêu chuẩn châu Âu) để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Huyện sẽ có chính sách để hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng sầu riêng, trong đó đặc biệt chú trọng đến công nghệ “3 trong 1” (tưới nước, bón phân và xịt thuốc tự động); đồng thời, thẩm định cấp tem nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” cho những hộ sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tuyệt đối không để xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với cây sầu riêng Đạ Huoai đã được cấp nhãn hiệu.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

CÒN NỮA
KHÁNH PHÚC (thực hiện)