(LĐ online) - Những ngày qua tại Thủ đô Hà Nội và khắp các địa phương trong cả nước, Nhân dân đã tập trung theo dõi sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều Tiên. Tuy kết quả cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao này chưa đi đến tuyên bố chung nào, nhưng đã mở ra một tín hiệu vui vì đã có cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng.
(LĐ online) - Những ngày qua tại Thủ đô Hà Nội và khắp các địa phương trong cả nước, Nhân dân đã tập trung theo dõi sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - Triều Tiên. Tuy kết quả cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao này chưa đi đến tuyên bố chung nào, nhưng đã mở ra một tín hiệu vui vì đã có cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng.
Trong sáng ngày 28/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Ưn) đã tiến hành hội đàm chính thức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp mở rộng giữa phái đoàn hai bên, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng và Oa-sinh-tơn đang thảo luận những bước đi cụ thể trong tiến trình này.
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng. Dù không đạt thỏa thuận và không ra tuyên bố chung, song hai bên đều mong muốn tiếp tục gặp nhau trong tương lai.
Chiều 28-2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc họp báo tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội. Tham dự cuộc họp báo có Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo.
Tại họp báo, Tổng thống Donald Trump cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Ông cho biết ông và Chủ tịch Triều Tiên đã chia sẻ nhiều vấn đề như phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt, khả năng phát triển kinh tế của Triều Tiên, song chưa phải là thời điểm thích hợp để ký một tuyên bố chung. Tổng thống Hoa Kỳ cho biết, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng về các điều kiện để thực hiện mục tiêu này. Ông khẳng định sẽ không có thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên và cho rằng Triều Tiên có tiềm năng trở thành cường quốc kinh tế. Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt nếu Triều Tiên thiện chí. Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên đường về nước, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Việt Nam. Trên chuyên cơ bay trở về nước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai này.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và toàn thể người dân tuyệt vời ở Việt Nam.
Ngày 1-3, phát biểu trong cuộc họp báo tại khách sạn Melia ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết, nước này đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa trong Hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho nói rằng, nước này đã đưa ra đề xuất mang tính thực chất. Ông khẳng định Bình Nhưỡng muốn năm nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc được dỡ bỏ, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt liên quan đời sống của người dân Triều Tiên. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, Bình Nhưỡng mong muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ.
Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn nhanh các nhà khoa học, các cán bộ hưu trí tại Đà Lạt để lắng nghe những suy nghĩ và cảm nhận chung về sự kiện trọng đại này.
|
|
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh – Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Lâm Đồng: Những ngày qua theo dõi kỹ sự kiện này qua VTV và tôi đã mua rất nhiều báo đọc để hiểu và nắm rõ nội dung về sự kiện này. Dưới góc nhìn của nhà khoa học từng nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân, đã 2 lần dự hội thảo khoa học tại Hàn Quốc với ấn tượng mạnh về đất nước này, chia sẻ và xót xa về một đất nước bị chia cắt quá lâu. Là đất nước cuối cùng của thế giới bị chia cắt. Tôi cũng từng có những năm tháng sống và làm việc tại Trung Quốc. Tôi cũng như bao người dân Việt Nam luôn hy vọng và tin tưởng rằng nếu chấm dứt chiến tranh, hòa bình lập lại, thống nhất đất nước thì Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia rất mạnh trên thế giới. Tôi rất quan tâm và theo dõi sự phát triển của 2 bên Mỹ - Triều, mong muốn 2 bên xích lại gần nhau. Tại sao trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa rồi tại Hà Nội họ lại không đưa ra tuyên bố chung vì đòi hỏi 2 bên đều rất cao. Tôi có hơi buồn và thất vọng một chút nhưng kết quả cũng ghi nhận sự cố gắng của 2 bên. Bộ trường ngoại giao của Triều Tiên có đưa ra yêu cầu Liên Hiệp quốc hủy bỏ 5 nghị quyết cấm vận với Triều Tiên – đây có vẻ là vấn đề rất khó vì ở đây là vai trò của cả Liên Hiệp Quốc, Mỹ không thể thực hiện 5 nghị quyết mà Triều Tiên nêu ra. Tôi ấn tượng với cảm nhận của nhà lãnh đạo Mỹ rằng Chủ tịch Kim là người rất cá tính. Cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo hoàn toàn có thái độ tích cực, thiện chí và họ sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai về vấn đề phi hạt nhân hóa. Người Việt Nam chúng ta luôn mong ước thực sự về hòa bình, sự kiện diễn ra tại Hà Nội – thành phố vì hòa bình cũng là mang thông điệp đó. Chúng ta có quyền tự hào về điều này. Hàng ngàn phóng viên thế giới tập trung đưa tin và là sự kiện mở đầu tốt đẹp tronng năm 2019 của Việt Nam. Như dự đoán của PGS – TS, nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh vào thời khắc giao thừa của năm mới Kỷ Hợi đã sáng tác bài thơ Chào Xuân Kỷ Hợi với nhiều dự báo: “ …Gia đình và bè bạn. Sự nghiệp với cuộc đời. Việt Nam cùng thế giới. Chung hưởng những niềm vui!”
Ông Khuất Minh Phương - Nguyên UVBTV Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Trước hết với sự kiện hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên tại Hà Nội có thể khẳng định là một sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2019 của Việt Nam. Là vấn đề đột xuất của Việt Nam khi được chọn, tuy vậy không phải là ngẫu nhiên mà họ chọn, vì vị thế của Việt Nam được nâng lên. Đây là công tác đối ngoại hàng đầu của Việt Nam, vào mùa xuân Kỷ Hợi vừa mới bắt đầu được hơn 2 tuần. Việt Nam thể hiện rõ quan điểm không can dự vào nội bộ của hai nước, đây là vấn đề tế nhị, khéo léo của Việt Nam. Mong muốn của Việt Nam là đóng góp trực tiếp vào quá trình đối thoại hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế bằng vấn đề “Hòa Bình”, chọn Hà Nội cũng vì được Unessco công nhận là thành phố vì Hòa Bình. Việt Nam mong muốn tăng cường vai trò của mình trong cộng đồng ASEAN, muốn thể hiện vai trò của mình trong đời sống quốc tế. Việt Nam cũng mong muốn giới thiệu về thành tựu đổi mới toàn diện vế đất nước, con người Việt Nam. Trực tiếp là về thủ đô Hà Nội khi mốc thời gian đẹp đã tròn 20 năm UNESSCO vinh danh Hà Nội là thành phố vì Hòa Bình. Qua theo dõi, cuộc gặp không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng bạn bè thế giới đều thấy được thiện chí về thái độ của Việt Nam góp phần giúp hai nước đến gần được với nhau hơn. Rõ ràng, qua đây cũng cho ta một bài học với phương châm: Muốn có hòa bình phải có chữ “nhẫn” thái độ ôn tồn, cầu thị sẽ gặp được nhau. Thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục có gặp gỡ đối thoại để đàm phán về vấn đề này.
Riêng với Việt Nam, có thể khẳng định về công tác chuẩn bị của ta rất chu đáo, đủ tầm cỡ, năng lực với thế giới trong thời đại công nghệ 4.0. Đặc biệt tính nhân văn của dân tộc đã thể hiện rõ nhất. Mọi công tác đều được đầu tư dù thời gian rất ngắn, về cơ sở vật chất, lễ tân, an ninh đều được đảm bảo. Khẳng định năng lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng Đảng, Nhà nước hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhân dân Việt Nam đã thể hiện thái độ đúng mực, biết nhường nhịn, đồng thuận, cùng nhau thể hiện sự thân thiện, hòa bình với bạn bè quốc tế. Đó chính là lòng dân hợp ý Đảng. Là niềm tin của Nhân dân với Đảng, Chính phủ. Lòng dân ở đây chính là lòng yêu nước, là ý thức tự tôn dân tộc. Từ đó cho thấy niềm tin của Nhân dân với Đảng đang được củng cố. Khách đến nhà, Nhân dân Thủ đô đã làm tròn sứ mệnh của sứ giả hòa bình, thân thiện, hiếu khách. Từ đó, tạo tiếng vang tốt hơn, đặt ra kỳ vọng thực sự mong muốn hòa bình trong khu vục, nhất là với bán đảo Triều Tiên.
Ông Hà Phước Toản – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại Lâm Đồng: Có thể nói, bản thân tôi trong những ngày qua đã dành thời gian để tập trung theo dõi sự kiện trọng đại giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên gặp gỡ tại Hà Nội. Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được và thấy được Việt Nam đã làm hết sức mình và chúng ta rất vui vì sự kiện trọng đại này diễn ra tại Việt Nam. Qua đây, hình ảnh của đất nước Việt Nam được cả thế giới theo dõi, để nhân dân thế giới không chỉ biết đến sự kiện trọng đại của 2 nhà lãnh đạo cấp cao này mà còn thấy được sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trong công tác ngoại giao thế giới, thể hiện được sự thiện chí vì hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của nhau. Hình ảnh Việt Nam được quảng bá trên toàn thế giới thông qua hàng ngàn phóng viên đến từ các tờ báo nổi tiếng của thế giới. Qua đó, hình ảnh Việt Nam sẽ in đậm trong lòng bạn bè thế giới về những ngày qua. Đây là một dấu hiệu tốt đẹp, mở ra nhiều kỳ vọng trong tương lai cho đất nước chúng ta. Là đất nước yêu chuộng hòa bình, góp phần ổn đình hòa bình khu vực và thế giới. Tuy Hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng cũng mở ra một bước khởi đầu với nhiều tín hiệu tốt đẹp, trong đó có phần đóng góp của Việt Nam tại sự kiện trọng đại lần này.
Cùng với 8 lần đăng cai hội nghị thượng đỉnh, hàng loạt sự kiện cấp cao thượng đỉnh, hội nghị APEC …được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam thực sự đã để lại dấu ấn cho bạn bè quốc tế bởi khát vọng hòa bình mãnh liệt cho dân tộc mình và giờ đây thế giới lại chứng kiến sự kiện trong năm 2019 này và cho thấy Việt Nam là mảnh đất ươm mầm cho hòa bình, tạo niềm tin vững chắc cho bạn bè khắp năm châu về chính sách đối ngoại của Việt Nam, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyệt Thu (thực hiện)