Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương là một nội dung quan trọng của HÐND và đại biểu HÐND các cấp. Qua đó, góp phần thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật mà cụ thể ở đây là đối với người dân di cư tự do.
Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương là một nội dung quan trọng của HÐND và đại biểu HÐND các cấp. Qua đó, góp phần thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật mà cụ thể ở đây là đối với người dân di cư tự do.
|
Vấn đề giải quyết chính sách cho dân di cư tự do luôn được các đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị tại các kỳ họp HĐND cuối năm. Ảnh: N.Thu |
Theo đánh giá của ông Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Tình hình dân di cư tự phát đến Tây Nguyên chủ yếu do cuộc sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các hộ có đông nhân khẩu, nghèo đói, thiếu đất sản xuất. Hoặc do điều kiện ở nơi ở cũ khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai. Mặt khác, so với các tỉnh trong cả nước thì mật độ dân số Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có Lâm Đồng. Thực tế chứng minh, trước đó, các hộ di cư vào Tây Nguyên có cuộc sống ổn định, phát triển, tạo sự thúc đẩy quá trình di cư, nhất là trong quan hệ gia đình, dòng tộc…
Theo thống kê, giai đoạn 2005 - 2017, số lượng dân di cư tự do đến Lâm Đồng khoảng 2.195 hộ với khoảng 7.183 nhân khẩu. Phần lớn các hộ sống ven rừng, trong rừng và sống xen kẽ ở các thôn, buôn rải rác tại các huyện Bảo Lâm, Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh… Các hộ di cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc như Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn, Nghệ An…
Thông qua giám sát, theo ông Cil Ha Drang, Phó Ban Dân tộc - HĐND tỉnh cho rằng: Qua quá trình giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về di cư tự do trên địa bàn tỉnh, nhận thấy, việc quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư tại một số địa phương còn hạn chế đó là quy hoạch trên diện tích đất rừng có trữ lượng lớn nên dự án không triển khai được, ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư và bố trí, sắp xếp theo mục tiêu của dự án đã đề ra. Việc bố trí dân cư theo hình thức tập trung, phân lô giao đất làm nhà ở, điển hình như dự án bố trí ổn định dân cư xã Đa Nhim trên thực tế là chưa phù hợp với điều kiện tập quán sinh sống của người dân địa phương. Về tiến độ triển khai các dự án về bố trí dân cư còn chậm so với kế hoạch. Các công trình hạ tầng, hạng mục công trình khi triển khai xây dựng còn đạt tỷ lệ thấp. Vốn bố trí thực hiện dự án còn chậm, hạn chế và thấp so với kế hoạch. Đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa được nhận tiền hỗ trợ di dời, bố trí đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 1775 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo báo cáo của HĐND tỉnh, qua giám sát phát hiện một số địa phương về công tác hoàn thiện hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân còn chậm. Các dự án bố trí dân cư phần lớn chỉ tập trung vào xây dựng cơ bản chưa tập trung quan tâm giải quyết chính sách hỗ trợ cho dân di cư theo Quyết định 1776 của Chính phủ như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ đất sản xuất… Có dự án hoàn thành nhưng lại chưa có hệ thống cấp nước phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực của các dự án còn xảy ra chưa được ngăn chặn kịp thời.
Theo đó, HĐND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cân đối, sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách bố trí di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng vì đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng, chính quyền địa phương.
Thông qua kiến nghị của cử tri và Nhân dân, qua giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về quy định mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân thuộc đối tượng di cư tự do (Quyết định số 66 năm 2004), ban hành Quyết định 322 về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đã hoàn thành dự án bố trí, sắp xếp ổn định cho 176 hộ dân và đang tiếp tục thực hiện bố trí sắp xếp cho các hộ dân theo 5 dự án với tổng số hộ dân cần bố trí, sắp xếp là 1.382 hộ, tổng vốn đầu tư khoảng trên 259 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn bố trí dân di cư tại Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2017 là trên 523 tỷ đồng, nhưng tổng vốn còn thiếu và cần được bổ sung tiếp tục đầu tư là trên 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là trên 300 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 65 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị chuyên đề bàn bạc và tháo gỡ khó khăn trong giải quyết di dân tự do, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cũng có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát và có giải pháp điều chỉnh quy hoạch chuyển một số diện tích đất lâm nghiệp sang rừng sản xuất để xây dựng một số dự án phục vụ di cư tự phát. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư nên có giải pháp cân đối, bố trí kinh phí để các địa phương hoàn thành dự án sắp xếp, ổn định di cư tự do.
N.THU