90 năm bừng bừng hào khí Việt

06:02, 03/02/2020

Hàng năm, vào mỗi dịp xuân về tết đến, trên khắp mọi ngả đường từ phố thị đến các vùng quê cả nước rực đỏ màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc...

Hàng năm, vào mỗi dịp xuân về tết đến, trên khắp mọi ngả đường từ phố thị đến các vùng quê cả nước rực đỏ màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Năm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nô nức mừng năm mới, đón xuân về với nhiều niềm vui thắng lợi và hân hoan mừng 90 xuân có Đảng. Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), hãy cùng ngẫm đôi điều về công tác tư tưởng của Đảng mà điểm nhấn là báo chí, văn học nghệ thuật và công tác tuyên truyền miệng.
 
 
Dân gian có câu “Tư tưởng không thông mang bi đông cũng nặng”, tư tưởng là cái luôn đi trước, chính vì vậy, từ khi Đảng ra đời đến nay, công tác tư tưởng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm với sự hợp thành của báo chí, văn học nghệ thuật và công tác tuyên truyền miệng. Công tác tư tưởng đã góp phần quyết định mọi thắng lợi cách mạng mà điểm khởi đầu là khúc khải hoàn Tháng Tám mùa Thu 1945. 
 
Chúng ta không thể nào quên dòng văn học “dậy lửa” của thời tiền khởi nghĩa với tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (1938): Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là cả vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim... Hay tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều ấn phẩm bất hủ khác của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh. Dòng văn học cách mạng thời đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tạo nên sức hút mạnh mẽ đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước và cả những người cùng khổ khắp phố thị, làng quê; làm sống dậy tinh thần quật cường, chí khí Việt, vùng lên theo tiếng gọi non sông. Nhiều ca khúc cách mạng lúc bấy giờ cũng đã lan tỏa rộng khắp, sục sôi hào khí Việt, giục giã mọi người đứng lên chặt đứt gông xiềng, xua tan bóng đêm nô lệ. Trong đó, không ít ca khúc mà đến tận bây giờ vẫn âm vang hào khí Việt: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên, góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/ Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung” (trích lời bài hát: Mười chín Tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh); “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui (bài hát: Đoàn Vệ quốc quân của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu); “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng/ ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh hào/ đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng, ta người Việt Nam/ nhìn tương lai huy hoàng/ đoàn ta vươn lên đàng/ cùng hiên ngang hát vang...” (bài hát: Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). 
 
Đặc biệt bài hát “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” của Cố Nhạc sĩ Văn Cao đã hun đúc can trường, làm vững chí, khơi dậy lòng tự hào của bao người con đất Việt “...Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan. Từ bao lâu ta nuốt căm hờn, quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền” (trích lời 2 bài Tiến quân ca). Không quá lời khi nói rằng đó chính là những liều thuốc hồi sinh, chuyển hướng tư tưởng cách mạng cho mọi giai tầng xã hội lúc bấy giờ với những giai điệu, văn từ bừng bừng khí thế “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
 
Rồi cái ngày “đứng dậy sáng lòa” cũng đã đến, khi Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh đã tạo nên thời cơ ngàn năm có một, để cả dân tộc “đem sức ta giải phóng cho ta”. Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu Tháng Tám 1945 đã thắng lợi hoàn toàn, đất nước Việt Nam đã độc lập; Nhân dân Việt Nam từ phận đời nô lệ, trở thành người tự do, làm chủ đất nước. 
 
Công tác tư tưởng của Đảng mà bộ ba là báo chí, văn học nghệ thuật và công tác tuyên truyền miệng đã gắn liền suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước. Sau năm 1945, khi mà nền độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa. Non sông ngập màu binh đao, khói lửa; cuộc sống yên bình của muôn dân thêm một lần ly loạn; làng quê, phố thị lại oằn mình rên xiết; cả đất nước đứng lên, cả dân tộc đứng lên, cuộc kháng chiến trường kỳ bắt đầu với những đoàn quân trùng điệp tạm rời xa làng quê, phố thị tiến bước lên ngàn, làm một cuộc trường chinh đánh giặc. Hình ảnh người lính oai hùng nhưng rất đỗi thân thương, bình dị; những nông dân chân lấm tay bùn đứng lên cầm súng; những người Mẹ Việt Nam nuốt nước mắt tiễn con ra trận mong ngày chiến thắng trở về; hình ảnh đoàn quân rầm rập ra sa trường mang theo cả tình thương của quê hương và của Mẹ luôn là đề tài dạt dào cảm xúc trong các tác phẩm văn học, thơ ca, thẩm thấu vào đời sống kháng chiến, làm khắc khoải bao trái tim nhân nghĩa kể cả trái tim của những con người phía bên kia chiến tuyến. Hãy nghe lời kể của Nguyễn Đình Thi “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về/Ôi những cánh đồng quê chảy máu/Dây thép gai đâm nát trời chiều!” (trích lời bài thơ Đất nước), hay cái khoảng trời hoang vu buồn đến tận cùng của đất nước thời loạn lạc trong bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan mà cách đây hơn 70 năm nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên thán phục “tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả!”; Trường ca “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm: Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn. Còn Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”: Từ độ thu về hoang bóng giặc /Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn/ Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em có bao giờ lệ chứa chan; và rất nhiều những tác phẩm đã trường tồn cùng năm tháng như “Nhật ký ở rừng”, “Đôi mắt” của Nam Cao; “Đất nước yêu dấu”, “Đêm giải phóng” của Nguyên Hồng; các vở kịch “Bắc Sơn”, “Những người ở lại” và “ký sự Cao Lạng”, “Nhật ký chiến tranh” của Nguyễn Huy Tưởng...
 
Thời chống Mỹ, bên cạnh những cây bút được định danh, đã xuất hiện nhiều cây bút mới, nhiều nhà văn trẻ và họ cũng sớm khẳng định tên tuổi của mình với nhiều tác phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, sự quặn thắt lòng đau trước cảnh nước nhà chia cắt. Và chính từ nỗi lòng đó, họ đã để lại cho đời sau những tuyệt phẩm về tinh thần cách mạng như: “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi; “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành; “Hòn Đất” của Anh Đức; “Con đường xuyên rừng” của Lê Văn Thảo... Đặc biệt bộ tiểu thuyết “Đường thời đại” của nhà văn Đặng Đình Loan viết về đề tài chiến tranh Nhân dân; Trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn được coi như sử thi hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên. Và nhà thơ Thanh Thảo: Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc (Những người đi tới biển)...
 
Cùng với văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng Việt Nam và công tác tuyên truyền miệng cũng đã luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc, thường xuyên tiếp lửa cho những người lính nơi trận tiền xa lắc, làm ấm lòng người ở lại hậu phương, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân làm nên nhiều thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
 
Trải qua gần 95 năm ra đời và 90 năm kể từ ngày có Đảng lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, luôn thể hiện bản lĩnh, vững vàng làm người lính xung kích, người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trong 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, những người làm báo cách mạng với vũ khí là cây bút, sổ tay xông pha trong làn tên, mũi đạn, viết lên những bài báo phản ánh chân thực làm lay động lòng dân nước Việt và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhiều nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường nhưng những tác phẩm, những thông tin, những hình ảnh mà họ ghi lại đã trở thành chứng nhân sống động trong dòng lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc và là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi nước nhà.
 
Từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước đến nay, dù phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc; thở cùng hơi thở của cuộc sống; nghĩ suy, chia sẻ cùng Nhân dân những niềm vui cũng như những điều còn băn khoăn trăn trở. Từ thực tiễn, báo chí đã phát hiện, phản ánh một cách chân thực những việc làm chưa hay, chưa tốt, những hiện tượng tiêu cực nảy sinh từ cuộc sống. Cũng từ thực tiễn, báo chí đã phát hiện nhân tố mới, tích cực, nhân rộng những việc làm hay, những mô hình tốt, những tấm gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cỗ vũ mọi phong trào cách mạng. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, báo chí luôn là “người” đi tiên phong; chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Với bản lĩnh và trí tuệ của một nền báo chí cách mạng, những người làm báo cách mạng Việt Nam đã kiên cường đấu tranh chống các tư tưởng thù địch; phản bác các luận điệu xuyên tạc phản động, loại bỏ những quan điểm sai trái làm tổn hại lợi ích quốc gia và truyền thống đạo lý của dân tộc. Với trí tuệ và bản lĩnh của báo chí cách mạng, những người làm báo cách mạng luôn bảo vệ sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đồng thời tham gia tích cực hoạt động phản biện, góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cùng với cả nước, văn nghệ sĩ và những người làm báo trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, tư tưởng vững vàng, đội ngũ thế hệ những nhà văn, nhà thơ, nhà báo trẻ không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước; rèn luyện bản lĩnh cách mạng đồng thời tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động văn học nghệ thuật, tác nghiệp báo chí và tuyên truyền; kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống, qua đó góp phần kiên định tư tưởng, nuôi dưỡng khát vọng vươn tới tầm cao mới trong nhận thức của Nhân dân. 
 
90 năm thành lập Đảng, 90 năm bừng bừng hào khí Việt. Và trên con đường còn rất dài phía trước, tin chắc rằng công tác tư tưởng của Đảng với thế chủ công từ văn học nghệ thuật, báo chí và công tác tuyên truyền miệng sẽ tiếp tục thôi thúc triệu triệu người con “máu đỏ, da vàng” sẵn sàng dấn thân cho công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc như lời bài hát “Những trái tim Việt Nam” của nhạc sĩ Phương Uyên: Việt Nam mãi vững bền/ Bốn phương trời mình cùng dang tay gìn giữ núi sông/ Việt Nam tôi đứng lên/ Và thắp sáng niềm tin chiến thắng/ Không thể nào ngăn tôi yêu quê hương Việt Nam/ Ta chẳng ngại dâng hiến, ta chẳng ngại hy sinh/ Tổ quốc ơi! Hãy kêu tên tôi!!!
 
VĂN TÒA