Lâm Đồng, vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió, với những người cộng sản kiên trung đồng hành cùng lịch sử vùng đất mới...
Lâm Đồng, vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió, với những người cộng sản kiên trung đồng hành cùng lịch sử vùng đất mới. Những người cộng sản đầu tiên ấy đã thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung, tạo nên chi bộ Đảng đầu tiên, là nền móng cho cả quá trình chiến đấu lâu dài của quân và dân Lâm Đồng.
|
Nhà xe Khách sạn Palace (căn thứ hai từ trái sang)nơi thành lập Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Ðồng (tháng 4/1930). |
Từ Chi bộ Tân Việt tới Chi bộ Cộng sản đầu tiên
Là vùng đất mới, Lâm Viên - Đồng Nai Thượng khi ấy, Lâm Đồng hôm nay là nơi những lưu dân Nam - Ngãi - Bình - Phú, Nghệ Tĩnh tới lao động, khai phá. Những người lưu dân ấy mang trong mình tinh thần yêu nước tha thiết, đồng thời vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với phong trào cách mạng nơi quê nhà. Và theo dòng chảy ấy, năm 1929, Đảng Tân Việt cách mạng, một trong những tiền thân của Đảng Cộng sản đã thành lập chi bộ đầu tiên tại Đà Lạt. Địa điểm nơi Chi bộ Đảng Tân Việt thành lập chi bộ chính là một trong những căn nhà thuộc dãy “nhà thiếc”, nay nằm giữa con dốc Hồ Tùng Mậu. Chi bộ Tân Việt lúc đó do đồng chí Trần Hữu Duyệt, một thanh niên quê Hà Tĩnh làm bí thư. Chi bộ đã hoạt động tích cực, thu hút thêm nhiều đảng viên, chuẩn bị cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thống nhất hoàn toàn phong trào cộng sản, đấu tranh giành độc lập trên cả nước. Đảng Tân Việt cách mạng hợp nhất cùng các tổ chức cộng sản cả nước trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam và Chi bộ Tân Việt Đà Lạt giải thể, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Lâm Đồng được thành lập vào tháng 4/1930. Căn gác nhỏ trên nhà xe của Khách sạn Dalat Palace, khách sạn sang trọng nhất thành phố chính là nơi chứng kiến những thành viên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên thề dưới lá cờ búa liềm, quyết hy sinh vì độc lập dân tộc. Đồng chí Trần Diệm, công nhân lái xe của Khách sạn Palace trở thành Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trên đất Lâm Đồng.
Những đảng viên đầu tiên ấy đã tích cực hoạt động giữa vòng vây của mật thám Pháp. Tuyên truyền, thu hút, kết nạp đảng viên mới, cuối năm 1930, Lâm Đồng đã có 11 đảng viên sinh hoạt tại 2 chi bộ. Chi bộ Palace do đồng chí Trần Diệm làm bí thư, hoạt động trong khách sạn, nhà máy đèn, hỏa xa và Chi bộ Cầu Quẹo, nay nằm tại 221 - 223 đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt do đồng chí Nguyễn Sĩ Quế là bí thư, hoạt động trong công nhân xây dựng và thợ may. Hai chi bộ có 8 đảng viên là công nhân nên hoạt động hiệu quả, tuyên truyền giác ngộ cho giai cấp công nhân Đà Lạt thuận lợi.
Đấu tranh vì độc lập dân tộc
Hoạt động tích cực, tuyên truyền, giác ngộ tới đông đảo Nhân dân, nhất là công nhân về quyền tự quyết, độc lập tự chủ cho người Việt, Chi bộ Cộng sản Lâm Đồng những ngày khó khăn ấy đã vượt qua rất nhiều gian khổ. Hòa chung với phong trào cách mạng của cả nước, những người cộng sản kiên trung vận động Nhân dân đòi đánh đổ thực dân đế quốc, đòi quyền lợi cho nông dân, công nhân, bình đẳng nam - nữ... Chi bộ Cầu Quẹo tổ chức cơ sở in ấn, in và rải truyền đơn tuyên truyền tới Nhân dân. Một cơ sở đào tạo, tuyên truyền đặt tại Trạm Bò, Xuân Thọ. Cũng trong những ngày của năm 1930-1931 rực lửa ấy, lá cờ búa liềm và những tờ truyền đơn xuất hiện từ Đà Lạt xuống hết đèo D’ran, mang lại cảm xúc mãnh liệt cho Nhân dân. Người dân lần đầu biết tới hoạt động của những người cộng sản với mục tiêu vì độc lập cho đất Việt.
Những cuộc đấu tranh, những tờ truyền đơn, những lá cờ búa liềm khiến thực dân Pháp run sợ. Mật thám Pháp điên cuồng ruồng bố những chiến sỹ cộng sản. Tới tháng 3/1931, Bí thư Chi bộ Cầu Quẹo Nguyễn Sĩ Quế và 2 đảng viên bị bắt, cơ sở in ấn Cầu Quẹo bị đóng cửa. Mật thám Pháp tiếp tục truy lùng và vây bắt một số đảng viên và 30 người bị tình nghi hoạt động cách mạng. Tại các nhà tù của thực dân Pháp, những người cộng sản và quần chúng yêu nước đã giữ vững khí tiết, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân, của tổ chức. Giữa năm 1931, đồng chí Trần Diệm bị thực dân Pháp kết án vắng mặt 10 năm khổ sai, 4 đồng chí khác bị phạt tù, giam tại nhà lao Buôn Ma Thuột. Chi bộ Cộng sản đầu tiên trên vùng đất Nam Tây Nguyên không còn. Nhưng những hạt giống đỏ - những người cộng sản đã gieo chỉ ngủ yên và gặp thời điểm, hạt giống ấy bừng nở, đơm hoa kết trái, đóng góp sức mạnh vào phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Bà Đoàn Bích Ngọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, đơn vị từng thực hiện nhiều cuộc sưu tầm các kỷ vật cũng như dấu tích về sự ra đời cũng như hoạt động của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên đất Lâm Đồng. Những hiện vật, ký ức ấy đã thể hiện cả một quá khứ hào hùng, sự hy sinh lặng thầm của những người đảng viên cộng sản kiên trung. Nhiều đồng chí đã hy sinh trong cuộc chiến tranh gian khổ chống thực dân đế quốc, nhiều đồng chí vẫn tiếp tục đi cùng hai cuộc kháng chiến, trở thành người chiến sỹ, vững lòng tin suốt dặm dài trường chinh của dân tộc. Đồng chí Trần Hữu Duyệt, Nguyễn Sĩ Quế, những đảng viên đầu tiên sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Với Lâm Đồng, dấu son chi bộ Đảng đầu tiên trên mảnh đất cao nguyên như tấm gương để những người cộng sản tiếp tục soi mình, giữ mãi tấm lòng son sắt với lý tưởng cách mạng được Đảng và Nhân dân giao phó.
DIỆP QUỲNH