Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm

07:04, 16/04/2020

Ủy ban Nhân dân tỉnh có Công văn số 1932/UBND-NC, ngày 6/4/2020 hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;...

Ủy ban Nhân dân tỉnh có Công văn số 1932/UBND-NC, ngày 6/4/2020 hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020. Theo đó, đề ra một số nhiệm vụ yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện. 
 
Trong 10 nội dung của công tác PBGDPL, đáng chú ý là một số nội dung: Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và nhiệm vụ chính trị của sở, ngành, địa phương. Triển khai công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, Nhân dân và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được thông qua, trong đó chú trọng Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, các lĩnh vực pháp luật được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Đối tượng cần tập trung ưu tiên là đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL mà trọng tâm là người dân tộc thiểu số, người dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; học sinh, sinh viên. Đặc biệt, để tiếp tục đồng hành cùng cả nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phải triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các văn bản của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh hướng dẫn tăng cường tổ chức PBGDPL về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm... Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thường xuyên rà soát nguồn lực và hiệu quả công tác của từng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
 
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội...
 
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải ưu tiên tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Về công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tốt hội nghị trực tuyến “công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”; triển khai tổ chức có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2020”. Củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên tại các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu phố, khối phố... Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng hòa giải ở từng địa phương cụ thể, lưu ý huy động đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lực lượng công an xã (đã được chính quy hóa) tham gia làm hòa giải viên cơ sở.
 
Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương. Việc rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đối với các đơn vị cấp xã mới hình thành được thực hiện từ thời điểm quy định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc sáp nhập, thành lập hoặc chia tách có hiệu lực thi hành, được tiến hành hàng năm.
 
Để nâng cấp tiêu chí tiếp cận pháp luật thành tiêu chí lớn trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở sơ kết, tổng kết nhiệm vụ được giao trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiêu chí về “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”, các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất (nếu có) nội dung sửa đổi, bổ sung, kiến nghị chính sách, cơ chế hỗ trợ, nhằm thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.
 
LAN HỒ