ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

06:06, 13/06/2020

(LĐ online) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (đợt 2), chiều 12/6, các ĐBQH tập trung thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030...

(LĐ online) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (đợt 2), chiều 12/6, các ĐBQH tập trung thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030. Ông K’Nhiễu - ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này:
 
Ông K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng
Ông K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng
 
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đối tượng thụ hưởng là vùng đồng bào DTTS và MN, nơi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, KT - XH chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa còn thiếu. Đồng bào đang rất mong đợi, sự đầu tư của Chương trình sẽ tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển toàn diện KT - XH, nâng cao đời sống của người dân, thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS và MN. Để các dự án của Chương trình thực sự đem lại hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương cần quan tâm một số vấn đề sau:
 
Một là phải tiếp tục giải quyết hợp lý vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và MN. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn, chưa phù hợp với tình hình thực tế sinh sống của đồng bào. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương liên quan rà soát, nghiên cứu giải pháp chính sách cụ thể cho từng đối tượng; phù hợp với từng vùng miền cũng như phong tục tập quán của các DTTS; đồng thời, phải có lộ trình, chỉ tiêu cụ thể để thực hiện.
 
Hai là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS và MN. Đội ngũ cán bộ người DTTS là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển vùng đồng bào DTTS và MN, vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. 
 
Trong xây dựng chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS, cần chú ý nguyên tắc ưu tiên là nhằm tạo cơ hội để đồng bào tự phát triển, không làm triệt tiêu năng lực tự chủ, tự vươn lên của đối tượng thụ hưởng nguồn lực ưu tiên. Cần xác định rõ ưu tiên của Nhà nước chỉ là yếu tố ngoại sinh có ý nghĩa tạo môi trường, điều kiện cho sự phát triển chứ không thể thay thế được bản thân sự phát triển tự thân của các DTTS. Trong thực hiện chính sách ưu tiên phải chú ý đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo cán bộ người DTTS sau đào tạo, bồi dưỡng có đủ năng lực để nâng cao hiệu quả công việc, có như vậy mới giúp cho đồng bào DTTS vùng núi, vùng sâu, vùng xa phát triển. 
 
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng phải gắn kết và đồng bộ với các chính sách khác như quy hoạch, sử dụng… Quy hoạch là cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng phải trên cơ sở quy hoạch. Có như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng mới phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao năng lực công tác của cán bộ, tránh lãng phí nguồn lực. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cũng phải gắn với chính sách sử dụng cán bộ. Nếu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS nhưng khi sử dụng không đúng ngành nghề đào tạo thì vừa không phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, vừa lãng phí nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng.
 
Ba là đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển sản xuất. Những năm gần đây, hoạt động KH-CN đã tập trung nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng, công nghệ trong sản xuất nông sản đến với vùng đồng bào DTTS và MN, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN, mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thực sự bền vững. Mặc dù, các địa phương đã hình thành được những mô hình điển hình, nhưng vẫn chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân; chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KH-CN phục vụ phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS và MN. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong lĩnh vực KH-CN và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa chặt chẽ và đồng bộ, vấn đề này rất cần Chính phủ quan tâm.
 
Bốn là bố trí đầy đủ kinh phí thực hiện các dự án của Chương trình. Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Chương trình chủ yếu là ngân sách Trung ương chiếm khoảng 76%. Do đó, đề nghị, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước đóng góp cho Chương trình; đồng thời, các địa phương có cam kết, bảo đảm bố trí vốn địa phương để thực hiện. Mặt khác, đề nghị bố trí tăng chi đầu tư phát triển; tính toán lại nội dung các dự án liên quan đến nguồn kinh phí sự nghiệp phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
 
K.T